Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Tàu Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam

Thứ Bảy, 28/05/2011, 07:14 (GMT+7)

*Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng công ước của Liên Hiệp Quốc
* Ba tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, uy hiếp và cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam)
*  Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại
* Tàu đánh cá Trung Quốc tràn sang vùng biển Việt Nam

TT – Ngày 27-5, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết sáng 26-5, một tốp tàu hải giám của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, xâm nhập, cản trở và gây thiệt hại đối với tàu Bình Minh 02 của PVN đang hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực thềm lục địa Việt Nam.



1/ Tàu hải giám số 84 của Trung Quốc -Ảnh: TTXVN
2/ Phó tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu trình bày chứng cứ việc tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02
3/Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)


Theo PVN, thực hiện kế hoạch thăm dò năm 2011 của PVN, tàu Bình Minh 02 của Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (thuộc PVN) đã khảo sát tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 thuộc thềm lục địa miền Trung. 

Việc khảo sát này được Bình Minh 02 tiến hành hai đợt, đợt một vào năm 2010 và đợt hai từ ngày 17-3. Theo PVN, việc khảo sát diễn ra bình thường và Bình Minh 02 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nhưng đến sáng 26-5 nhóm tàu Trung Quốc đã đến ngăn cản và gây thiệt hại.



3 tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập trái phép


Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hạiNgày 27-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đại diện của bộ đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận lúc 5g58 ngày 26-5, trong khi tàu Bình Minh 02 của PVN đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị ba tàu hải giám số 12, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12O48’25” Bắc và 111O26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 116 hải lý.Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông.H.Giang

Vụ việc diễn ra sáng sớm 26-5. Khoảng 5g05, rađa trên tàu Bình Minh 02 phát hiện tàu lạ di chuyển với tốc độ rất nhanh để tiếp cận mà không hề ra tín hiệu cảnh báo. Chỉ sau 5 phút, hai tàu nữa cùng xuất hiện hỗ trợ. Khi tàu lạ đến gần, tàu Bình Minh 02 phát hiện đó là tàu hải giám của Trung Quốc. Tàu Bình Minh 02 đã chủ động hạ thấp thiết bị thăm dò trước tốc độ di chuyển của các tàu Trung Quốc để tránh thiệt hại nhưng không vì thế mà các tàu hải giám dừng lại.

Khoảng 50 phút sau, đến 5g58, các tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy thẳng đến gần tàu Bình Minh 02, tiếp cận khu vực thả dây cáp và có hành động cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Sau đó, tàu Trung Quốc tiếp tục uy hiếp tàu thăm dò của Việt Nam và ra thông báo tàu Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-5, ông Đỗ Văn Hậu, phó tổng giám đốc PVN, xác nhận thông tin ba tàu hải giám của Trung Quốc cản trở tàu Bình Minh 02 và cho biết khu vực tàu Trung Quốc ngăn cản trái phép tàu Bình Minh 02 ở ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa, điểm gần nhất cách mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) chỉ 116 hải lý.

Vị trí tàu Bình Minh 02 khi bị quấy rối là ở tọa độ 12O48’25’’ Bắc, 111O26’48’’ Đông. Ông Hậu khẳng định tất cả các lô mà tàu Bình Minh 02 thăm dò dầu khí hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Sau khi tàu Trung Quốc cho rằng tàu Bình Minh 02 vi phạm chủ quyền Trung Quốc, ông Hậu cho biết tàu Bình Minh 02 đã cương quyết bác bỏ luận điệu này. Song khi Bình Minh 02 tiếp tục công việc của mình đã bị ba tàu Trung Quốc cản trở.

Đến tận 9g ngày 26-5, ba tàu Trung Quốc mới chịu rút khỏi khu vực chủ quyền Việt Nam. Các tàu bảo vệ và tàu Bình Minh 02 đã phải dừng việc khảo sát trong ngày 26-5 thu lại các thiết bị hỏng để sửa chữa. Theo ông Đỗ Văn Hậu, PVN và Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí đã chỉ đạo tàu Bình Minh 02 sửa thiết bị tại chỗ chứ không rút về và tới 6g ngày 27-5, tàu này đã hoạt động trở lại bình thường.

Theo ông Hậu, mức độ thiệt hại mà tàu hải giám Trung Quốc gây ra cho PVN là lớn. Hơn nữa, việc tàu hải giám của Trung Quốc vào rất sâu lãnh hải Việt Nam để phá hoại thiết bị, cản trở hoạt động thăm dò, khảo sát bình thường của PVN là hành động hết sức ngang ngược và táo tợn, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam.

PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc.
PVN cũng khẳng định công việc khảo sát địa chấn tại khu vực vừa xảy ra hoạt động phá hoại của ba tàu Trung Quốc sẽ vẫn được tiến hành bình thường vì đây là khu vực hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. PVN sẽ có biện pháp phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo hoạt động cho tàu Bình Minh 02 được hiệu quả, an toàn.

Thực tiễn và pháp lý đều chứng minh chủ quyền Việt Nam


Theo cuốn Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam của Cục Chính trị Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam, chiếu theo công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 thì Việt Nam có diện tích biển trên 1 triệu km2, chiếm 30% diện tích biển Đông (cả biển Đông có diện tích gần 3,5 triệu km2).

Theo quy định xác định và bảo vệ chủ quyền, biển Việt Nam có các vùng: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Mũi Đại Lãnh và 10 đảo ven bờ như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Nhạn (Kiên Giang), Hòn Đá Lẻ (Cà Mau), Cồn Cỏ (Quảng Trị) được Việt Nam lấy làm điểm mốc để lập đường cơ sở ven bờ lục địa.

Bên trong đường cơ sở này là vùng nội thủy, được coi như lãnh thổ trên đất liền của Việt Nam, đặt dưới chủ quyền toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối. Từ đường cơ sở ra ngoài 12 hải lý là vùng lãnh hải của Việt Nam, Việt Nam cũng được thực hiện chủ quyền đầy đủ, toàn vẹn với vùng trời, đáy biển và lòng đất khu vực này.

Tiếp sau vùng lãnh hải ra ngoài 12 hải lý là vùng tiếp giáp lãnh hải. Từ vùng này trở vào, Chính phủ Việt Nam có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh, quyền lợi về hải quan, thuế, đảm bảo sự tôn trọng về y tế, di cư, nhập cư.

Theo Bộ tư lệnh hải quân, vùng đặc quyền kinh tế tiếp liền sau vùng tiếp giáp lãnh hải và tính từ đường cơ sở ra 200 hải lý. Như vậy, tàu Trung Quốc xâm nhập vào khu vực cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) chỉ 116 hải lý là đã vào tận khu vực giữa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, Bộ tư lệnh hải quân cho rằng Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, đáy biển và trong lòng đất, đáy biển ở vùng đặc quyền kinh tế.

Việc Trung Quốc cho rằng tàu Bình Minh 02 vi phạm chủ quyền tại khu vực biển phía Đông tỉnh Khánh Hòa, cách rất xa Trung Quốc, là hoàn toàn phi lý và ngang ngược.
CẦM VĂN KÌNH

Nhật ký tàu Bình Minh 02 (trích)


Tàu địa chấn 2D được hoán cải từ tàu cámang tên Pavlovsk hệ Atlantic 333. Tàu có kết cấu tốt, được trang bị vỏ cứng và dày, tuổi thọ cao, bảo đảm hoạt động dài ngày với mọi điều kiện thời tiết trên tất cả các vùng biển, kể cả điều kiện băng giá. Tàu được thay máy chínhnăm 2003 và đại tu tháng 2-2006. Tàu dài 62,26m, rộng 13,82m.Toàn bộ các thiết bị địa chấn của tàu được trang bị mới 100% từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Sercel (Pháp), Seamap (Mỹ), Quest (Anh)… với công nghệ và cấu hình chuẩn hiện nay.Ngày 19-3-2009, tàu địa chấn 2D đã được nhà thầu Nordic Maritime bàn giao cho Tổng công ty Khai thác dầu khí sau khi chạy thử thành công và được chính thức mang tên Bình Minh 02.

…5g05 ngày 26-5: phát hiện một tàu không có tên trên rađa – có thể là tàu hải quân của Trung Quốc – đang tiến về khu vực khảo sát, thuyền trưởng đã cố gắng liên lạc liên tục với tàu này nhưng không nhận được trả lời nào.5g10: phát hiện thêm hai tàu, không có tên hiển thị trên rađa – đang tăng tốc hướng về phía khu vực khảo sát.

5g20: ba tàu không mang tên trên rađa, không nhận trả lời tàu Bình Minh 02 vẫn tăng tốc độ tiến về phía tàu khảo sát Bình Minh 02.

5g27: streamer (dây cáp thu tín hiệu địa chấn) được điều khiển chìm sâu xuống 30m để tránh ảnh hưởng khi tàu Trung Quốc đi qua.

5g58: tàu Trung Quốc mang phiên hiệu  China Marine Surveylang đã cắt đứt streamer tại vị trí Bird (thiết bị giữ cân bằng cáp địa chấn) số 06, khoảng 1/3 cáp địa chấn.

6g02: tàu bảo vệ Đông Nam 02 được điều động tăng tốc hết máy về phía phao đuôi để bảo vệ phao đuôi. Cố gắng giữ liên kết với phao đuôi tránh tuột mất đoạn streamer bị cắt đứt (khoảng > 2/3 chiều dài cáp địa chấn = 6km).

6g05: nhận được chỉ đạo của ban giám đốc cố gắng theo giữ đoạn streamer bị đứt, nhanh chóng thu đoạn cáp còn lại lên tàu. Đoạn streamer bị đứt sẽ được hai tàu bảo vệ neo và kéo khỏi khu vực có ba tàu Trung Quốc. Lúc này ba tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục bao vây tàu Bình Minh 02 mặc dù thuyền trưởng liên lạc liên tục với ba tàu này nhưng vẫn không nhận được câu trả lời. Vị trí tàu Bình Minh 02 lúc 6g10 ngày 26-5 là: 12O45.98 N, 111O27.608 E.

6g45: tàu Trung Quốc liên lạc lại với tàu Bình Minh 02. Thông báo tàu mình đã vi phạm chủ quyền khảo sát trên lãnh hải Trung Quốc. Yêu cầu tàu Bình Minh 02 lập tức rời khỏi khu vực này. Thuyền trưởng trả lời khẳng định đây là khu vực thuộc chủ quyền lãnh hải Việt Nam, nhưng vẫn không nhận được câu trả lời hợp tác từ ba tàu Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc vẫn thông báo tàu Bình Minh 02 phải rời khỏi khu vực này. Thuyền trưởng vẫn khẳng định lại tàu Bình Minh 02 hoạt động trên lãnh hải Việt Nam và bị tàu Trung Quốc cắt đứt thiết bị khảo sát lúc 5g58 ngày 26-5. Tàu Bình Minh 02 phải thu lại thiết bị khảo sát đã bị cắt đứt. Tàu Trung Quốc không có câu trả lời lại.

7g00: ban giám đốc chỉ đạo cố gắng dùng tàu bảo vệ kéo đoạn streamer bị đứt rời khỏi khu vực có ba tàu Trung Quốc, đảm bảo an toàn cho nhân sự làm việc trên tàu Bình Minh 02 và ba tàu bảo vệ. Đồng thời đảm bảo cho streamer không bị chìm sâu thêm và trôi dạt nhiều.

9g15: tàu không thể mạo hiểm quay lại tiếp tục cuộc khảo sát vì ba tàu Trung Quốc vẫn tuần tiễu quanh khu vực đó, sẵn sàng cắt streamer hoặc có biện pháp mạnh hơn…

Chứng cứ đoạn cáp của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc phá hoại cắt đứt – Ảnh: TTXVN

Tổng đội hải giám Trung Quốc


Đội tàu hải giám của Trung Quốc, trong đó có chiếc tàu số hiệu 84 đã vi phạm lãnh hải Việt Nam sáng 26-5-2011 – Ảnh: lu Han Xin, Xinhua

Ngày 5-5-2011, Trung Quốc chính thức thành lập chi đội Tây Nam Trung Sa trực thuộc Tổng đội hải giám Nam Hải để đưa vào tuần tra trên biển Đông.

Tính đến nay, tổng đội hải giám Nam Hải (đơn vị có nhiệm vụ tuần sát biển của Trung Quốc) có 3 chi đội và 10 đại đội.

Ông Lý Lập Tân – giám đốc Sở hải dương Nam Hải – cho biết Tổng đội hải giám Nam Hải Trung Quốc hiện có 13 tàu tuần tra và ba trực thăng. Trong đó có chiếc hải giám 84 vừa được hạ thủy ngày 8-5, sau đó đưa ngay vào đội tàu tuần tra của nước này trên khu vực biển Đông.

MỸ LOAN (Theo THX)

Tàu đánh cá Trung Quốc tràn sang vùng biển Việt Nam


Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry điện đàm với ngư dân đánh bắt xa bờ tối 27-5 – Ảnh: Duy Thanh


Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên, cho biết sáng 27-5, sau khi nhận được điện từ Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng thông báo việc tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Phú Yên đã chỉ đạo các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh thông báo cho tất cả tàu thuyền Phú Yên đang hoạt động trên biển nắm tình hình trên, nếu phát hiện diễn biến mới liên quan thì báo ngay cho bộ đội biên phòng qua hệ thống liên lạc trên biển.


19g tối 27-5, tại trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng (thuộc đồn biên phòng 352 Bộ đội biên phòng Phú Yên), thượng úy Nguyễn Ngọc Ry – đội phó đội kiểm soát hành chính của trạm – mở máy bộ đàm để tiếp nhận thông tin từ các ngư dân Phú Yên đang đánh bắt trên biển. Qua điện đàm, ông Trần Văn Hùng (37 tuổi, ở P.6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), thuyền trưởng tàu câu cá ngừ PY92618TS, cho biết tàu của ông đang đánh bắt ở vị trí thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nhưng xung quanh tàu ông có gần 30 chiếc tàu làm nghề chụp mực của ngư dân Trung Quốc.


“Tàu tôi đánh bắt ở khu vực này khoảng bốn ngày nay, ngày nào cũng gặp rắc rối với các tàu chụp mực của Trung Quốc. Khoảng 10g tối là mình kéo câu, nhưng đề nghị họ kéo dàn neo để tàu mình qua thì họ không chịu. Mỗi khi tàu mình chạy đến gần là họ xông ra dùng dao rựa, mã tấu hăm dọa, đòi đánh, chém. Có khi họ gọi vài chục chiếc khác đến uy hiếp tàu mình. Hành động của họ thật ngang ngược. Chúng tôi thật sự gặp khó khăn khi đánh bắt ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước mình” – ông Hùng nói qua bộ đàm.


Thuyền trưởng Nguyễn Văn Trung, 26 tuổi, cũng ở P.6, TP Tuy Hòa, đang điều khiển tàu PY2836TS đánh bắt gần vùng biển tàu ông Hùng, cho biết: “Ở vùng biển từ 9-17 độ vĩ Bắc, 111-115 độ kinh Đông hiện nay dày đặc tàu của ngư dân Trung Quốc hành nghề, có ngày lên đến vài trăm chiếc. Ban đêm họ chong dàn đèn sáng đến 15 hải lý, chụp sạch mực một vùng rộng lớn, làm ngư dân chúng tôi không còn mực để câu, thiếu thứ làm mồi để câu cá ngừ đại dương. Do vậy, sản lượng đánh bắt của anh em chúng tôi gần đây sụt giảm nghiêm trọng. Chúng tôi mong cấp trên đấu tranh để bảo vệ chủ quyền vùng biển, bảo vệ ngư dân Việt Nam làm ăn trên biển”.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry cho hay qua điện đàm với các ngư dân, bộ đội biên phòng cũng đã báo cáo lên cấp trên phản đối việc tàu cá Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển Việt Nam. “Chúng tôi thật sự lo lắng và xót xa cho ngư dân của mình. Do vậy, ngư trường của bà con bây giờ hẹp dần, việc đánh bắt hết sức khó khăn” – thượng úy Ry nói. Ngư dân cho hay thời gian gần đây, Trung Quốc đưa khoảng 20 tàu hải quân thường xuyên kiểm soát gần vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, ngăn chặn không cho ngư dân Việt Nam hành nghề.

DUY THANH

Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982Việc Trung Quốc cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 là vi phạm nghiêm trọng công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.


Hồi 5g58 sáng ngày 26-5-2011, tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khi đang thăm dò địa chấn tại lô 148 trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam bị 3 tàu hải giám của Trung Quốc lao vào cắt cáp (7km cáp bị cắt), làm hỏng một số thiết bị của tàu, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến kế hoạch công tác của Tập Đoàn dầu khí Việt Nam tại khu vực này.

Lô 148 hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Vị trí cáp thăm dò bị phía Trung Quốc cắt chỉ cách mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên khoảng 120 hải lý, tức là còn 80 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý. Khác với tình hình trong Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan, ở khu vực miền Trung vào phía Nam, trong đó có lô 148, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn không chồng lấn với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.

Xin lưu ý là địa điểm tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp ngày 26-5-2011 cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 340 hải lý. Do đó, việc Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí Việt Nam vào sáng ngày 26-5-2011 đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền  của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình. Là một thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982 nhưng hành động này của Trung Quốc lại hoàn toàn trái với nghĩa vụ của mình theo Công ước này.

Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc đã quy định rõ phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như vùng biển quốc tế. Theo Điều 76 của Công ước, thềm lục địa của quốc gia ven biển có chiều rộng tối thiểu 200 hải lý (mỗi hải lý bằng 1852m). Chiều rộng này được bảo đảm tuyệt đối kể cả khi ở trên thực tế rìa ngoài của thềm lục địa của quốc gia ven biển hẹp hơn 200 hải lý.

Còn nếu rìa ngoài của thềm lục địa thực tế của quốc gia ven biển rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia đó có quyền mở rộng phạm vi thềm lục địa đến 350 hải lý theo đúng các quy định của Công ước (cụ thể là các quốc gia liên quan phải gửi Báo cáo quốc gia đến Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc để Ủy ban này xem xét và ra khuyến nghị).

Về quy chế pháp lý của thềm lục địa, Điều 77 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của mình. Họ có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở trong thềm lục địa của mình. Các tài nguyên thiên nhiên này bao gồm tài nguyên khoáng sản và tài nguyên phi sinh vật khác ở đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Các quốc gia ven biển cũng có quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình ở thềm lục địa của mình. Cách thức thực hiện quyền chủ quyền này hoàn toàn do các quốc gia ven biển quyết định. Có khi các quốc gia này tự mình tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên ở thềm lục địa. Có khi các quốc gia ven biển cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài thăm dò và khai thác.

Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc là một điều ước quốc tế nên một khi đã tham gia Công ước này, các quốc gia ven biển phải chấp nhận sự ràng buộc của Công ước. Điều này có nghĩa là đồng thời với việc hưởng các quyền chủ quyền đôí với thềm lục địa của mình, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ quyền của các quốc gia thành viên khác đối với thềm lục địa của họ. Quyền và nghĩa vụ phải song hành với nhau. Không thể chỉ hưởng thụ các quyền mà bỏ qua nghĩa vụ tương ứng. Đó cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống.

Yêu cầu thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế không phải là ngoại lệ của Công ước Luật Biển năm 1982 mà chính là một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại. Đó là nguyên tắc “pacta sun servanda” đã được pháp điển hóa trong Công ước năm 1969 của Liên hợp quốc về Luật Điều ước quốc tế giữa các quốc gia. Yêu cầu này cũng chính là một nghĩa vụ của 192 thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương của tổ chức này.

Căn cứ vào các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của mình. Đoạn 4 trong Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã tái khẳng định điều này.

Thực hiện quyền chủ quyền theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982, từ những năm 80 của thế kỷ XX Nhà nước Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của mình. Hiện nay, hàng chục công ty dầu khí từ nhiều nước khác nhau trên thế giới (Nga, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Canada, Úc, Singapore v.v…) đang hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam để thăm dò, khai thác tại các lô dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam. Việc làm này của Việt Nam là hết sức bình thường. Các quốc gia khác ven Biển Đông như Trung Quốc, Phillippines, Indonesia, Brunei, Campuchia, Thái Lan, Malaysia cũng đang thăm dò, khai thác thềm lục địa của mình.

Năm 2002, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã long trọng ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC). Việc Trung Quốc cho tàu vũ trang cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02, phá hoại hoạt động kinh tế bình thường của Việt Nam ngay trong thềm lục địa Việt Nam cũng đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố này.

Theo DOC, ASEAN và Trung Quốc đã cam kết không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, không sử dụng vũ lực. Trong nhiều Tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc, Lãnh đạo cao cấp của ASEAN và Trung Quốc đều tái khẳng định tuân thủ tăng cường nỗ lực để thực hiện toàn diện DOC, tiến tới xây dựng một văn kiện pháp lý cao hơn là Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct, viết tắt là COC).

Tóm lại, xét từ góc độ pháp lý quốc tế, đến góc độ chính trị cũng như góc độ quan hệ láng giềng thân thiện, việc tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5-2011 hoàn toàn không thể biện minh được. Điều rõ ràng là, dù vì bất kỳ lý do gì và với bất kỳ động cơ gì, thì việc làm nói trên của Trung Quốc cũng hoàn toàn không có lợi cho quan hệ hữu nghị và hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, không đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, không phù hợp với nỗ lực thúc đẩy thực hiện toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, và cũng không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

NGUYỄN HOA CHƯƠNG

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Bác Ba Phi

Bác Ba Phi là một nhân vật trong văn học dân gian. Ông là nhân vật chính trong những câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt thường ngày nhưng được cường điệu quá đáng (như rắn tát cá, chọi đá làm máy bay rơi, leo cây ớt té gãy chân...) và được trình bày một cách tự nhiên khiến người nghe hoàn toàn bất ngờ và bật cười. Ông là nhân vật cận đại nhất trong lịch sử kho tàng truyện trạng (nói dóc) của văn học Việt Nam.

Nhân vật nguyên mẫu của Bác Ba Phi là nghệ nhân Nguyễn Long Phi (1884-1964). Ông vốn là một nông dân tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, vốn có khiếu kể chuyện rất phong phú và đặc sắc, được nhiều người ưa thích.

Ông sinh năm 1884 tại tỉnh Đồng Tháp, do gia đình quá nghèo nên từ nhỏ ông phải đi cày thuê để nuôi tám người em nhỏ. Khi 15 tuổi, mẹ ông qua đời, ông trở thành một lao động chính trong gia đình. Tuy cuộc sống cơ cực, ban ngày phải đi khẩn hoang, cày cuốc ruộng vườn, nhưng đến ban đêm, ông thường tham gia tụ họp đờn ca, và được bà con trong xóm mê tiếng ca và nể trọng tính tình vui vẻ, bộc trực, khẳng khái, đặc biệt là những câu chuyện kể và cách kể truyện lôi cuốn người nghe của ông.

Vốn làm tá điền cho Hương quản Tế - một địa chủ giàu có vùng Bảy Ghe, ông được Hương quản Tế hứa gả cô con gái là Ba Lữ với điều kiện phải làm công trong ba năm.

Nhờ sức chịu thương chịu khó, nên sau ba năm thì ông cưới được vợ. Cũng do điều này mà Hương quản Tế rất yêu thương người con rể này và đã cắt chia cho vợ chồng Ba Phi  khá nhiều đất. Cộng với sự cần cù sẵn có, ông đã ra sức khai khẩn phần đất được chia thành đồng ruộng cò bay thẳng cánh.
 
Hai người lấy nhau một thời gian mà không có con, vì vậy bà Ba Lữ đã đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Bà này sinh được một người con trai là Nguyễn Tứ Hải. Không rõ vì lý do gì mà khi Nguyễn Tứ Hải mới ba tuổi, bà đã gửi con cho chồng rồi về quê ở MỹTho cho đến lúc qua đời. Ông Nguyễn Tứ Hải về sau lập gia đình với bà Nguyễn Thị Anh, sinh hạ một người con trai – cháu đích tôn của bác Ba Phi – tên là Nguyễn Quốc Trị. Trong những câu chuyện của bác Ba Phi thì đây chính là nhân vật thằng Đậu nổi tiếng. Và cũng có thành ngữ "Tệ như vợ (thằng) Đậu" được dùng để chỉ những người vụng về.
 
Về sau bác Ba Phi cưới thêm vợ ba. Bà tên Chăm, là người dân tộc Khmer. Bà sinh được hai đứa con gái.  

Bác Ba Phi qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1964 tại rừng U Minh Hạ, nay là ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Phần mộ của ông được đặt giữa hai ngôi mộ của bà Ba Lữ và bà Chăm tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải nằm ở một góc rừng U Minh Hạ.  

Hiện nay, khu nhà và mộ phần của bác Ba Phi được xây dựng thành tuyến du lịch văn hóa của tỉnh Cà Mau.

Kiếm sắc (Nguyễn Huy Thiệp)

"Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"
                                                        Nguyễn Du


Trong số người gần gũi với Thế tổ Nguyễn Phúc Ánh những năm mưu phục lại cơ đồ nhà Nguyễn có một hào kiệt mà không sử sách nào nhắc đến. Người đó là Ðặng Phú Lân. Lân quê ở Hưng Hóa, cha là Ðặng Phú Bình, trước là thuộc tướng của Trịnh Bồng. Bình tính ngang tàng, võ công thâm hậu, thấy chúa Trịnh hèn mà cách xử thế keo kiệt, không xứng đáng với bậc vương giả nên bỏ Trịnh Bồng vào Ðàng Trong. Khi Tây Sơn nổi lên, Bình theo Nguyễn Nhạc, Nguyễn Nhạc không tin Bình, cho Bình là dân Bắc Hà trí xảo, không trung tín. Nhạc chỉ cho Bình làm một chức quan võ nhỏ ở vùng sơn cước mãi tây Bình Thuận. Bình bất đắc chí, suốt ngày uống rượu, nhiều khi say quá, cứ trông về phía trời Bắc mà khóc hu hu. Lân can thế nào cũng không được. Về sau Bình ngã nước, râu tóc rụng hết, gầy tọp đi, da vàng như nghệ, chỉ nằm chờ chết. Bình có một thanh kiếm gia truyền, sắc như nước, sống kiếm đổ chì, sức chém khủng khiếp. Trước khi chết, Bình trao thanh kiếm lại cho Lân, bảo rằng: "Con ơi, nước đang có loạn. Tây Sơn bây giờ đang lên như thế chẻ tre. Nhưng ta thấy sức chơi của bọn người này bất quá chỉ như trọc phú nhà giàu, gánh vác giang sơn sao được ? Ta đồ rằng mệnh Tây Sơn có hạn. Hiện Gia Ðịnh có Nguyễn Phúc Ánh là nòi vương giả, con gắng vào đấy tìm xem". Lân khóc, mắt chảy có máu. Bình giãy mấy cái, mồ hôi toát đầm đìa, người cứ lạnh dần rồi chết. Lân lấy kiếm đào huyệt chôn cha; tìm đường vào Gia Ðịnh theo Nguyễn Phúc Ánh. Lúc bấy giờ Lân mới hai mươi tám tuổi.
Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Ðịnh tìm cách lật đổ Tây Sơn, khi này thế đã mạnh. Ánh là người đa mưu túc kế, tính kiên trì, không tin ai, dùng người lấy chữ "hiệp", chữ "lễ" làm trọng, không coi "nhân", "nghĩa", "trí", "tín" ra gì. Thỉnh thoảng, Ánh vào trong đất Thuận Quảng, xuất quỷ nhập thần. Người Ðàng Trong sợ Ánh hơn là thích Ánh. Ánh đi đến đâu nghe nói cũng có mây đen cuồn cuộn bay đằng trước, dân cư thấy có mưa là biết Ánh vừa đi qua.
Lân gặp Ánh. Ánh thấy Lân khôi ngô, ăn nói khoan hòa mà thủ đoạn táo bạo thì thích lắm, cho ở luôn bên mình. Một lần thuyền Ánh qua cửa Tiền Giang, có bốn người đi theo, trong đó có Lân. Bấy giờ có con cá sấu rất to cứ bơi theo, đuổi thế nào cũng không được. Mọi người lo sợ, thấy phải có người nhảy xuống làm mồi cho cá sấu thì mới thoát.
Ánh hỏi: "Ai vì nước Việt mà chết ?"
Ba người kia tình nguyện chết, chỉ có Lân ngồi im. Ánh trừng mắt hỏi Lân:
"Trượng phu quý mạng sống thế à ?"
Lân chắp tay: "Chúa công đừng giận. Nước Việt thì không ai hại được. Còn thoát hàm cá sấu, cần gì phí một mạng người !"
Nói rồi nhặt hòn đá ở mạn thuyền ném con vịt giời bay qua. Vịt giời rơi xuống nước, cá sấu thấy vậy vội bỏ thuyền lao đến chỗ vịt giời. Ánh cười ha hả bảo rằng: "Thế này thì nghiệp ta thế nào Trời cũng cho thành".
Ánh đi đâu cũng cho Lân đi theo, cũng nhiều khi Ánh xem ý Lân để liệu xử thế với người, lần nào cũng trúng. Có lần, lúc này thế Ánh như diều gặp gió, trước Tết Nguyên đán, các tướng lĩnh, các nhà hào phú quanh vùng, cả dân chúng Gia Ðịnh nữa cũng mang lễ vật đến mừng, Ánh cho Lân ra nhận lễ vật. Lân ra nhận, cho ráo vào cả một kho. Khách đến chúc mừng Ánh, chỉ đi chân tay không mà vào. Bọn Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Võ Tánh thấy lễ vật của mình cũng bị xếp cùng với lễ vật những người khác thì căm tức. Bọn này phàn nàn với Ánh, ý trách Ánh để tả hữu coi thường mình. Ánh cười bảo rằng: "Lân là người có văn, có võ, lại cương trực, trung thành với chủ, cứ để hắn khu xử. Hắn có cách khu xử của hắn. Những người gần ta không phải kẻ tầm thường đâu".
Sáng mồng Một, lập đàn tế thần, Ánh cho Lân đứng ra chia lộc thánh. Lân chia phần đều ai cũng như ai, mọi người rất hớn hở. Sau việc này, Ánh hỏi Lân, Lân đáp: "Nghiệp chúa công chưa thành, thế mà đã có kẻ dâng lễ vật nhiều, dâng lễ vật ít. Biết lễ vật của từng người, chúa công sau này dùng họ khó." Ánh bảo: "Phải !" Lân lại nói: "Việc chia phần đều nhau là để ai cũng thấy mình phải cố gắng". Ánh bảo: "Cũng phải". Ngồi một lúc Ánh nói: "Chỉ e ngươi căn cơ quá chăng ?" Lân đáp: "Ðầy tớ không căn cơ có hại cho chủ". Ánh bảo: "Ngươi là dân Bắc Hà; Ngươi không hiểu dân Ðàng Trong như ta được. Ngươi tưởng làm thế là chu toàn, nhưng bậc vương giả thích sự tiện lợi hơn cả". Lân bảo: "Chúa công nói phải, căn cơ chỉ hợp với bần tiện, nhưng đất của Chúa công bây giờ nhiều hơn đất của Tây Sơn hay của Tây Sơn nhiều hơn ?" Ánh cau mày đáp: "Ta chỉ vỏn vẹn có ba thước đất chôn thây thôi". Lân bảo: "Không phải thế. Chúa công được lòng trời đất, chỉ cần Chúa công thành tâm". Ánh ngồi im, lát sau lại hỏi: "Nhạc không nói làm gì. Lữ không nói làm gì. Huệ có cách gì mà giỏi giang thế ?" Lân đáp: "Huệ giỏi dùng người tài nhưng không giỏi dùng người thường. Chúa công khác Huệ". Ánh ngồi im không nói năng gì.
Khi Nguyễn Huệ chết, con trai là Nguyễn Quang Toản lên ngôi, Tây Sơn năm bè bảy mối. Ánh mừng lắm sai mở tiệc mừng. Lân đứng ra can: "Chúa công đừng làm thế, dân chúng nhìn vào không cho ta là người đại lượng". Ánh bảo: "Huệ coi ta là quốc thù, hịch truyền khắp nơi, lời lẽ bẩn thỉu lắm. Ta với Huệ không đội trời chung. Nó chết ta cười cũng không được ư ?" Lân đáp: "Huệ không có tội gì, chỉ là một người tài, bị trời hành, cũng như Chúa công vậy. Nhưng lực lượng của Huệ không được hưởng phúc lâu dài, thế là Huệ dăm bảy đường thiệt. Ta lấy lộc của kẻ được hưởng phúc trời mà cư xử, trời thấy ta phải, người cũng thấy ta phải". Ánh nghe Lân nhưng nghiến răng nói: "Khi nào ta thành nghiệp lớn, ta phanh thây nó, ta chôn ba họ nó". Lân bảo: "Chẳng lâu đâu, Chúa công cứ nhịn cười, lúc ấy cười một thể". Quả nhiên sau này khi Ánh chiếm Thăng Long, thống nhất giang sơn, Ánh trả thù Tây Sơn rất thảm khốc.
Khi Ánh chiếm Phú Xuân, cướp được một ca nữ xinh đẹp lạ lùng, tên là Ngô Thị Vinh Hoa, vừa tròn mười tám tuổi. Vinh Hoa hát hay, đàn giỏi, điệu bộ rất duyên dáng. Một đêm, Ánh hứng khởi, sai Lân đưa Vinh Hoa vào bày tiệc, ngồi nghe hát. Lân bảo: "Hát bài Triều Thiên Tử". Vinh Hoa ôm đàn hát:

Kìa xanh xanh
Mấy nụ non
Mấy lá non
Nhờ mưa xuân mang sữa cho
Nhờ gió xuân mang khí thổ cho
Nhờ đất mang lương thực cho
Chẳng chịu cho ai hái
Càng lớn, nhan sắc càng mỹ miều
Càng lớn, phẩm hạnh càng thanh sạch
Càng lớn, càng cả thẹn
Thơ nào tả được vẻ đẹp này
Bút nào vẽ được ý tứ này
Ai tương tư mà chau mày
Ngủ thì thôi, tỉnh lại nhớ
Ấy là trời cho
Vẻ đẹp hoàn hảo
Vẻ đẹp thiên kim.


Ánh vỗ tay reo: "Hát hay quá". Lân lại bảo:" Hát bài Tình sông núi". Vinh Hoa ôm đàn hát:

Kìa núi cao cao
Kìa sông xanh xanh
Núi do đâu mà ra
Sông do đâu mà ra
Tráng sĩ xa nhà
Lặn lội trên đường
Nơi cố hương
Mẹ già bạc đầu
Gái quý đêm nằm trằn trọc
Lấy gì trả nghĩa tình
Uống chén rượu sầu
Mời núi cao một chén
Lạy thiên tử ba lạy
Chẳng quên tình sông núi
Chỉ thương tình mẹ già với người đẹp phương xa.


Ánh cau mày: "Hát hay nhưng buồn quá". Vinh Hoa quì xuống lạy: "Tiện thiếp làm rầu lòng người trời". Lân đỡ dậy, bảo rằng: "Người chớ lo, Chúa công lòng rộng, những thứ tình cảm sướt mướt của bọn người thường không hợp với Chúa công đâu". Nói xong, Lân sụp xuống lạy Ánh: "Ngày mai Chúa công ra trận vui thú ít thôi, cần nghỉ ngơi". Ánh thở dài đứng lên: "Cũng phải ngươi ép ta, đến nay là chín năm rồi, ta còn nhớ. Từ khi ngươi cắp gươm hầu ta, ăn ngủ cũng phải tính giờ. Xưa kia ta đâu phải vậy ?" Lân đáp: "Chúa công chịu mệnh trời, gánh nặng hơn người". Ánh bảo: "Ta chỉ thích như người thường thôi !" Tuy nói thế nhưng cũng rũ áo vào trướng. Vinh Hoa ôm đàn lui ra. Hôm sau, Ánh bảo Lân: "Ta đi mà cứ văng vẳng tiếng hát ca nữ bên tai, tiếng gió thổi, tiếng gươm dao không át được". Lân bảo: "Chúa công còn nhiều cơ hội nghe hát, nhưng cơ hội diệt Tây Sơn chỉ có một".
Ánh họp các tướng, bàn kế hoạch đánh ra Thăng Long. Lê Văn Duyệt tâu: "Bắc Hà có nhiều danh sĩ tài giỏi. Sao cho cờ của ta đến đâu, bọn khốn nạn này mà theo thì dân chúng cũng phải theo thôi". Ánh bảo: "Không được. Ta ủy mệnh trời, cần gì mua chuộc ai ? Ta đến đâu, đào hố đến đấy, chôn chúng nó xuống, dân chúng không theo không được". Quan tướng ai cũng thấy phải, ngồi yên lặng cả.
Ðêm ấy Ánh thao thức không ngủ được, gọi Lân đến bảo múa kiếm cho xem. Lân cầm thanh kiếm gia truyền, múa loang loáng, nghe như có gió thổi bốn bề. Ánh nhìn toát cả mồ hôi, đoạn bảo đưa kiếm cho xem. Ánh cầm thanh kiếm hai tay, phát đứt một cây hoa dại vòng gốc như cột nhà mà chỉ bằng một nhát. Nhựa cây phun ra như máu trắng. Ánh hỏi: "Kiếm của ngươi sao sắc bén vậy ?" Lân bảo: "Ðây là kiếm thần, không rõ xuất xứ, tổ phụ truyền lại". Ánh hỏi: "Sao bây giờ ta mới thấy nó ?" Lân bảo: "Trước Chúa công chỉ thấy đầu rơi dưới kiếm, bây giờ mới nhìn rõ kiếm. Thế là sắp thanh bình thịnh trị rồi đó". Ánh cầm thanh kiếm không muốn rời tay.
Ánh hỏi: "Trưa nay khi nói việc ta muốn chôn danh sĩ Bắc Hà, sao ngươi tái mặt ?" Lân tâu: "Lân là người Bắc Hà nên tủi phận mình sợ cho mình". Ánh bảo: "Ta chỉ ghét bọn chữ nghĩa thôi, còn ngươi là con nhà võ thì sợ gì. Chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện xảo trá tinh vi. Hành tung chúng, ta chẳng lo. Toàn lũ ốm o, như dòi chồn hèn mọn cả". Lân bảo: "Ða số như thế, chôn cũng đáng. Chỉ có đôi người khá, chúa công được họ thì thêm sang cho chúa công". Ánh bảo: "Ta không tin bọn nó theo ta. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa thì sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng nó mệt lắm". Lân bảo: "Thế là chúa công vẫn quen dùng người thường, ở bậc cao nhân còn gì còn chuyện vô đạo, hữu đạo ? Tâm ở sự thành, đâu phải ở lòng ? Chúng không chịu hiểu là lỗi ở chúng. Ðã ai hiểu việc chúa công dùng Bá Ða Lộc, dùng người ngoại quốc ? Chúc công còn phải mang tiếng ba trăm năm". Ánh lo sợ nói: "Phải làm sao ?" Lân bảo: "Chẳng làm sao được, nhưng bên cạnh chúa công có vài người như Ngô Thì Nhậm thì không sao cả".
Ánh bảo: "Ta muốn cho ngươi đi trước, chiêu mộ đôi ba người, thế là công to lắm". Lân sụp lạy: "Ðược thế còn gì bằng, Lân cũng không thẹn mặt với nơi sinh ra mình". Ánh bảo: "Ta giữ thanh kiếm này để khi ngươi quay về, có tin hay, ta có cớ mà khen thêm. Còn không được việc, ta có linh khí mà trừng phạt". Lân tái mặt nhưng đành phải chịu.
Ít bữa sau, Lân cải trang, giắt theo ít vàng bạc, tìm đường ra Bắc Hà. Lúc này Bắc Hà nhốn nháo lắm, triều đình Tây Sơn như trứng để đầu đẳng. Bọn tướng của Tây Sơn tranh giành nhau, chẳng còn biết giữ gìn tiếng tăm nữa. Lân thân cô, thế cô, lang thang đây đó, đi khắp nơi tìm người tài giỏi nhưng không thấy ai ưng ý.
Một hôm, Lân vào nghỉ ở một quán trọ ven đường, thấy có một người cốt cách hiền lành, dáng điệu bồn chồn đang ngồi uống nước chè suông. Hai người nói chuyện. Lân ngạc nhiên thấy người này trong trẻo lạ thường, tâm hồn sạch như nước ở suối ra. Lân cố mời rượu, người này chỉ uống một tí đã đỏ mặt. Con gái chủ quán rất xinh đứng ra hầu rượu. Người trẻ tuổi bảo: "Khách ở nơi xa đến, mệt mỏi vì công danh không đâu, chưa biết thế nào là đường đi lối lại, cô Cầm hát một bài cho nghe đi". Lân thoáng ngạc nhiên, rồi bình tâm lại, vật nài mãi, cô con gái chủ quán bèn ôm đàn ra đưa cho người trẻ tuổi. Người trẻ tuổi gảy đàn, cốt cách rất ư thanh lịch. Cô con gái chủ quán hát:

Kìa trăm năm
Tài mệnh là gì
Chỉ thấy đớn đau
Nhờ mưa mang sữa cho
Nhờ đất mang lương thực cho
Chẳng chịu cho ai hái
Ai hái cũng phí
Nhan sắc mỹ miều cũng qua thôi
Phẩm hạnh thanh sạch cũng nhạt thôi
Càng lớn càng cả thẹn
Cố tả được vẻ đẹp này
Gắng vẽ được ý tứ này
Ai tương tư cho rầu lòng
Ngủ thì thôi, tỉnh lại nhớ
Ấy là trời buộc
Cô quạnh vì nàng
Ta đi săn, đi câu
Vẻ đẹp hoàn hảo
Vẻ đẹp thiên kim
Bao giờ bốc mộ
Nhỏ cho một giọt nước mắt
Kìa trăm năm
Tài mệnh là gì
Chỉ thấy đớn đau .


Lân nghe xong, thở dài trào máu ra từ ngũ khiếu. Lân kêu to: "Trời hỡi trời, sao giống bài Triều Thiên Tử vậy ?" Cô con gái chủ quán cười cười chỉ tay vào người trẻ tuổi: "Bài này không có tên, do người này làm ra, chỉ để riêng cho Cầm hát". Lân thở dài nói: "Bài hát hay quá, thật Lân này chưa biết thế nào là đường đi lối lại". Nói rồi Lân cáo từ vào trong nằm nghỉ. Hôm sau Lân dậy sớm, bỏ đi không chào chủ quán, cũng không hỏi người khách trẻ tuổi với cô Cầm, con gái chủ quán.
Khi Lân đến được Thăng Long thì Nguyễn Ánh đã vào thành rồi. Quân Ánh đi như nước lụt, Lân như cánh bèo bị sóng cuốn trôi. Thâm tâm Lân cũng chẳng biết nên vui hay buồn, chỉ thấy trong lòng cảm động.
Lân gặp Ánh xin chịu tội vì không làm được việc. Ánh ngồi trên ngai vàng, tả hữu gươm giáo sáng quắc hai bên. Lân tự trói mình, quì xuống sân rồng. Ánh bảo: "Ngươi theo hầu ta thế là chín năm một trăm ngày. Chín năm không làm hỏng việc gì, còn một trăm ngày thì hỏng việc, vô tích sự. Thế là trèo lên cây mà không hái được quả, đáng tội chết". Lân không nói năng gì, vươn cổ ra chịu chém. Nghe nói Nguyễn Ánh đã sai đao phủ dùng thanh kiếm gia truyền của Lân để chém đầu Lân. Khi chém đầu, máu phun ra không đỏ mà trắng như nhựa cây, một lúc sau thì bết lại.

Ðoạn kết
Tôi, người viết truyện này, gần đây lên Ðà Bắc, đến Tu Lý ở trong nhà một người Mường. Chủ nhà tên là Quách Ngọc Minh có cho xem bài vị thờ tổ tiên. Tôi hết sức ngạc nhiên khi ông Quách Ngọc Minh cho biết tổ tiên ông là người Kinh. Ông Quách Ngọc Minh có nói tổ phụ ông tên là Ðặng Phú Lân, có vợ tên là Ngô Thị Vinh Hoa vốn là một ca nữ. Lân và Hoa trốn vua lên Ðà Bắc, giả làm người Mường, về sau lập trại, sinh con đẻ cái ở đây. Ông Quách Ngọc Minh có nói tổ phụ ông sinh thời từng gặp Nguyễn Du, tác giả cuốn Ðoạn Trường Tân Thanh nổi tiếng. Tôi còn được con gái ông Quách Ngọc Minh tên là Quách Thị Trinh hát cho nghe một bài hát xưa, lời lẽ rất thanh tao về những chồi cây xanh.
Viết truyện ngắn này, tôi muốn để tặng gia đình ông Quách Ngọc Minh để cám ơn thịnh tình của gia đình ông đối với riêng tôi. Tôi cũng xin cảm ơn một số nhà nghiên cứu lịch sử và bạn bè quen biết đã giúp tôi sưu tầm chỉnh lý những tư liệu cần thiết cho công việc viết văn, vốn rất nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa của tôi...

Trẻ Em Học Được Gì Từ Cuộc Sống

Những đứa trẻ sống giữa những người phê phán thì học lên án.
Những đứa trẻ sống trong bầu không khí thù địch thì hay đánh nhau.
Những đứa trẻ sống trong sự hãi hùng thì học được thói sợ sệt.
Những đứa trẻ sống trong cảnh đau xót thì học được sự đồng cảm.
Những đứa trẻ sống trong bầu không khí đố kỵ thì học được thế nào là tham vọng.
Những đứa trẻ sống trong bầu không khí khaon dung thì học được sự nhẫn nại.
Những đứa trẻ sống giữa những nguồn động viên thì học được lòng tin.
Những đứa trẻ sống giữa những lời khen tặng đúng lúc thì học đánh giá cao những gì bao quanh chúng.
Những đứa trẻ sống trong niềm tự hào thì học được cách phấn đấu.
Những đứa trẻ sống trong sự san sẻ thì học để trở nên hào hiệp.
Những đứa trẻ sống trong sự trung thực và sự công minh thì học được chân lý và lẽ công bằng.
Những đứa trẻ sống trong hạnh phúc thì học được rằng thế giới là nơi tốt đẹp để sống.

Cái Chậu Nứt

Một người có hai cái chậu lớn để khuân nước. Môt trong hai cái chậu có vết nứt, vì vậy khuân nước từ giếng về nước trong chậu chỉ còn một nửa.

Chiếc chậu còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc chậu nứt luôn bị cắn rứt vì không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Một ngày nọ chiếc chậu nứt nói với người chủ:
- "Tôi thật xấu hổ về mình. Tôi muốn xin lỗi ông!".
- "Ngươi xấu hổ về chuyện gì?".
- "Chỉ vì lỗi của tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì
xứng đáng với công sức của ông!".

- "Không đâu. Khi đi về ngươi hãy chú ý đến những luống hoa bên vệ đường".

Quả thật, dọc bên vệ đường là những luống hoa rực rỡ. Cái chậu nứt cảm thấy vui vẻ một lúc, nhưng rồi vế đến nhà nó vẫn còn phân nửa nước.
- "Tôi Xin lỗi ông!".
- "Ngươi không chú ý rắng hoa chỉ mọc bên này đường, phía của ngươi thôi sao? Ta đã biết được vết nứt của ngươi và đã tận dụng nó. Ta gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phía bên ngươi và trong những năm qua ngươi đã vui tưới cho chúng. Ta hái những cánh hoa đó để trang hoàng căn nhà. Nếu không có ngươi nhà ta sẽ không ấm cúng và duyên dáng như thế này đâu".

Mỗi con người chúng ta đều là cái chậu nứt hãy tận dụng vết nứt của mình.

(st)

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Cái bàn nào?

Trong giờ kiểm tra Triết học, giảng viên đặt một cái bàn lên bục giảng và yêu cầu sinh viên chứng minh cái bàn đó không tồn tại. Tất cả sinh viên đều rất cố gắng dùng những kiến thức được học viết những trang giấy rất dài để chứng minh cái bàn không tồn tại. Cuối cùng, bài được điểm cao nhất chỉ có vỏn vẹn một dòng:

- Cái bàn nào?


 

Mẹ

Con nhỏ mười lăm tuổi, nổi tiếng trong xóm hẻm bởi gương mặt dễ thương. Có dạo thấy mình hơi mập, mặc đồ mất đẹp, con nhỏ đi mua vòng về lắc. Con nhỏ càng lắc eo càng to. Chạy bộ cũng không ăn thua. Người nhà nghi ngờ dẫn con nhỏ đi bác sỹ, vô phòng khám nó hỏi, chú ơi, có thuốc gì cho con ốm bớt hôn, mập quá, tụi bạn con nói con giống… heo.

Nhưng chẳng có phương thuốc nào cho vòng eo vượt trội nữa, con nhỏ có bầu. Xóm hẻm dậy động với cái tin này. Mỗi chiều nhìn con nhỏ ểnh cái bụng đứng tựa bức tường đầu hẻm vô tư ăn cánh vịt chiên, dầu bết ra tèm lem trên mặt, lòng tôi bỗng quặn đau, trời ơi, trẻ con như vầy mà phải làm mẹ rồi. Ai nỡ lòng…

Người lớn chắc cũng không nỡ lòng, nên họ toan tính kỹ, chờ con nhỏ sinh xong là đem đứa bé cho người ta ngay. Gia thế nhà đó cũng khá, người coi bộ hiền. Cho, còn có thêm chút tiền. Con nhỏ gật đầu chịu liền, cho thì cho. Nó hết hồn khi nghe người lớn doạ nếu nuôi con phải ru rú ở nhà giữ con, không được đi chơi. Gì chớ, không thể đi chơi thì chết còn sướng hơn. Bữa con nhỏ sinh con, buổi sáng nó còn đi ngồi Karaoke với bạn, nửa chừng, nó xin dầu gío thoa bụng, cằn nhằn không biết hồi sáng này ăn cái gì mà bụng đau quá chừng. Vậy là sinh. Mấy bà già trong bệnh viện nói nó đẻ như gà, dễ ợt. Người xanh lướt, đau đớn, nhưng con nhỏ vẫn cười lỏn lẻn khi thấy tôi vào thăm, “chế coi, cái chân nó nhỏ xíu mà hồi còn nằm trong bụng nó đạp mạnh dã man”. Nâng thằng bé trên tay, tôi buộc miệng, “Chèn ơi, em bé thấy cưng quá hén, đẹp thiệt, đẹp quá chừng”. Người lớn đứng gần đó đá vào chân tôi. Người lớn sợ tôi khen rồi mẹ trẻ con nắm níu con, dù sự thực ràng ràng trước mắt, thằng bé đẹp như trong… lịch Tết. Ai đi qua đi lại cũng trầm trồ. Nhưng rủi thiệt, sau câu nói vô tình của tôi, con nhỏ bỗng năn nỉ, để cho em bé ở với con thêm một ngày nữa hén, rồi hãy kêu người ta lại bồng đi.

Sau này, người lớn tiếc nuối, nói vì một phút yếu lòng mà họ bị dụ. Để đứa bé lại, suốt đêm đó mẹ trẻ con không ngủ, cứ nắn tay, rờ chân, lật lưng ra săm soi từng bớt đen bớt đỏ của con. Đứa bé cũng chẳng ngủ yên vì mẹ cứ hôn hít khắp mình, hôn cả lên đuôi mày, cuối mắt, hôn từng lọn tóc mỏng, từng ngón tay non. Lặng lẽ. Sáng sau, người xin đứa bé hí hửng tới sớm mang theo chút tiền hậu tạ, con nhỏ quăng tiền ra cửa, vừa giãy khóc vừa chửi bới dậy động cả khoa Sản. Nó chồm lên choàng qua đứa bé, nước mũi chảy kéo dây kéo nhợ lòng thòng. Người trong căn phòng cũng quay mặt đi, quệt nước mắt. Chẳng ai còn có thể mang đứa bé ra khỏi vòng tay mẹ - mười - sáu - tuổi.

Cả xóm hẻm nín thở coi con nhỏ nuôi con. Ngộ, thằng nhỏ chắc nụi, cùi cụi, dù mẹ nó hay bỏ đi chơi. Mỗi chiều ngó qua đầu hẻm, tôi vẫn thấy con nhỏ ngỏn ngoẻn ăn vịt chiên nhưng tay kia đã cầm sẵn trái cóc muối, tôi lại quặn lòng, lại thắt thẻo gọi trời. Có lần gặp nhau trong quán nhậu, cố làm ra vẻ bâng quơ, tôi hỏi, “bỏ con cho ai mà lang thang ở đây ?”, con nhỏ cười toe, “Má tui giữ, tui đi tiếp thị bia để kiếm tiền mua sữa cho con tui uống. Nhưng mai tui chuyển qua làm mat xa rồi. Khách cho nhiều tiền lắm”. Hồn nhiên không chịu nổi. Tôi cười, lại tỏ ra bâng quơ, “làm mấy nghề đó người ta cười…”. Có tiếng khách gọi ở bàn bên kia, con nhỏ túc tắc chạy đi, lúc quay trở lại, nó nói, “chuyện gì miễn là có tiền, tui làm tuốt, tui làm nuôi con mừ. Người ta cười đã đời rồi người ta cũng nín”.

Sau câu nói đó, gặp mẹ - mười - bảy vừa đi đường vừa ăn kem, không hiểu sao tôi chẳng kêu trời nữa, chẳng còn thắt thẻo lo lắng cho đứa bé con. Bỗng trong xóm hẻm đồn ầm ra, con nhỏ đang yêu, đang sống chung với một thằng nhỏ hớt tóc. Hai đứa hay giành ăn với nhau nên hục hặc suốt, nửa đêm nghe chửi bới lộn gan lộn ruột, sáng sau thấy chở nhau trên xe đạp, con nhỏ này ôm eo ếch thằng nhỏ tình tứ, sát vo, cười ỏn ẻn.

Xóm hẻm lại nín thở nhìn con nhỏ yêu. Xóm hẻm chật quá, đông đúc quá, nên phận người cứ bày ra, không quan tâm cũng không được. Thấy thằng bé con mới ba tuổi nói chưa rành mà đi ăn sáng một mình, hỏi lòng ai không đau đáu. Một bữa gặp nhau ở gánh xôi đậu, hỏi bâng quơ, chừng nào lấy chồng đây, con nhỏ ngước lên cười, “Xù rồi. Tui cho de rồi. Thằng mất dạy đó đánh con tui…”. Tôi lặng đi trong một thoáng, có sợi dây thần kinh nào đó bị tê đi, tôi quên luôn việc con nhỏ còn thích nhảy dây, ăn quà vặt, nói lớn, chạy tí tởn trước đám đông. Tôi quên nó mới tròn mười tám tuổi.

Con nhỏ trong mắt tôi bỗng lớn vút lên. Cao tới mức để nhìn thấy cái trán dồ bướng bỉnh lấm tấm mụn của nó tôi phải ngẩng đầu.

(Nguyen Ngoc Tu - Blog Saurieng)

Những bình minh khác

Chị gọi thằng nhỏ chạy xe ôm ngoài đằng đầu hẻm chở ra ngoại thành tìm mua một mảnh đất rộng để xây nhà vườn. Thằng nhỏ này lanh chanh, nhiều chuyện, mau mắn, gì cũng biết, gì cũng nói được. Chị lẳng lặng nghĩ, chắc hàng ngày cậu ta hay chở khách quen về đường này.

Nên cậu ta nhớ được chòm cây tràm bông vàng ở khúc quanh nào, đoạn nào sẽ có ngôi miếu hoang, quãng nào đường dằn xóc. Cậu ta đưa chị đi khá xa, dân cư bắt đầu thưa thớt, nhưng bảng bán đất nhiều lên. Những cái bảng được kẻ bằng nhiều màu sơn khác nhau, nét chữ khác nhau, cái thì đổ tháu run rẩy, cái thì nắn nót, thơ dại như nét chữ học trò : “Ở đây có bán đất”, nhẹ nhỏm như “ở đây có bán giấm”, “ở đây có bán heo con”. Ngang qua cái bảng viết sai chính tả “Báng đất”, chị định cười thì thằng nhỏ xe ôm buông giọng ngậm ngùi, “Tui thấy cặm bảng bán gì cũng được, nhưng cái bảng bán đất thì buồn quá, buồn hơn hết thảy”. Chị hơi chồm ra đằng trước, ngó mặt thằng nhỏ qua vành tai đen đúa của nó, vì câu nói này ngộ quá. Rồi chị day nhìn bên đường, chắc là bị tác động bởi lời thằng nhỏ, bỗng dưng chị thấy những cái bảng cặm trước nhà người cũng hơi… buồn, trơ trọi, nhỏ nhoi, đìu hiu trong cỏ. Mà, cái “bán dừa khô” hay “bán lá chầm đóp” cũng cỏ cheo leo, đâu có buồn riêng nào cho hai từ “bán đất” ?!

Chị định cãi, nhưng thằng nhỏ dừng xe lại. Thêm mấy lượt dừng, chó trong xóm mấy lượt sủa ran, chị mới tìm được mảnh đất ưng ý. Đủ rộng để cất một biệt thự, chung quanh là ao cá, vườn cây, lối đi vòng vèo những thảm cỏ xanh. Chị thích đến nỗi không quan tâm giá cả. Rảo quanh một vòng, thằng nhỏ xe ôm lọm thọm đi đằng sau, nghe chị thao thao vẽ giang sơn của mình. Nhà sẽ day mặt hướng Đông, biệt lập với con đường bởi một dòng sông nhỏ. Chị đứng ở một gốc cây vú sữa già nua, tưởng tượng đây là phòng làm việc của mình, khi mệt mỏi hay căng thẳng, chị ngước lên, sông sẽ rợp trong mắt với bèo, với lục bình, với mây trôi bóng nước. Day sang trái là một bờ lau sậy đang trổ bông trắng xóa, bên phải là vạt hoa sao nhái vàng bừng lên trên nền cỏ xanh. Thằng nhỏ nghe chị với một sự ngạc nhiên kỳ lạ, nó nói, chị mê mấy cái mắc cười quá, nào là sông, nào là sậy, mấy thứ đó cũng thường thôi mà.

Chị nhìn thằng nhỏ với ánh mắt bao dung, cười, “thấy thường vậy, nhưng ở thành phố kiếm không ra đâu nhỏ à. Ngày nào cũng chen chúc, cũng vội vã, cũng mệt mỏi, vùi đầu vô cái máy tính với bốn bức tường, ra đường thì xe cộ khói bụi nghẹt thở…”. Trong cơn cao hứng, chị nói luôn một thôi một hồi, về những nhàm chán, những ngột ngạt của cuộc sống, về những giấc mơ ướt đẫm mồ hôi, thấy mình bị trói trong hàng trăm sợi dây rối bời, càng vùng vẫy chúng càng siết chặt, khủng khiếp hơn là những chiêm bao thấy mình chìm trong làn nước đen ngòm. Chị nói về cái cảm giác tù đọng khi thức giấc với bốn bức tường câm lặng, hé cửa ra là sóng âm thanh hổn độn của đường phố xô vào. Những bình minh lặp đi lặp lại, không bao giờ nhìn được mặt trời lên, vội vã áo quần, vội vã tất giày, vội vã phấn son rồi ào ra đường, ào qua ngày, qua tháng, qua năm.

Chị muốn có những bình minh khác, bình minh tươi mới ở ngay trên mảnh đất còn lộn xộn cây tạp, cỏ hoang này, mở cánh cửa kính váng sương mờ và nghe mùi đất bừng trong mũi. Nhưng thằng nhỏ xe ôm chẳng có vẻ gì là hiểu được cuộc sống mệt mỏi của chị, nó cười cười. Tác dụng rõ ràng nhất là chị thấy giải tỏa những bức bối, thấy nhẹ nhỏm, hân hoan, hay vì buổi bình minh chị hình dung quá rực rỡ, hay vì buổi chiều ở cái xóm ngoại ô này quá yên tĩnh êm đềm, đến nỗi chị nghe được tim thằng nhỏ chạy xe ôm đập thình thình khi chị trao tiền cọc cho phía chủ.

Dọc đường về, thằng nhỏ trầm lặng hẳn đi, qua một khúc quanh nó chỉ vào cái biệt thự nằm ẩn hiện trong vườn, nó nói “chỗ này hồi trước là nhà em”. Giọng nó ỉu xìu. Chị cầm câu nói như lần một đầu dây theo thằng nhỏ, hèn gì nó rành rẽ con đường này, cái xóm này. Hèn gì nó biết rành ngôi miếu kia có tổ ong vò vẽ lớn, biết chòm cây kia bị gió xô ngã bao lần, biết nơi nào có mảnh đất như chị ước ao. Trên đường theo dấu cuộc mảnh đời, chị ngang qua cái câu ngậm ngùi khi nảy, “thấy cặm bảng bán đất sao mà buồn”. Và chạm vào nhịp tim bất thường của nó lúc chủ đất run rẩy đếm tiền.

Thằng nhỏ thấy mình trở về năm năm trước. Choáng váng cầm món tiền chưa từng có trong đời, mua sắm thỏa thuê, không còn đất trồng cải, trồng dưa, nuôi cá, cả nhà sống bằng tiền rứt từng thước đất. Tiền cũng hết lúc đau ốm thắt ngặt phải bán nhà, đi thuê lại một căn trọ để sống. Người trong nhà chia nhau đi tứ tán, con gái đi ở mướn, con trai chạy xe ôm, mẹ làm công nhân vệ sinh, cha đẩy xe trái cây đi bán. Thằng nhỏ nói bằng cái giọng run run, “bữa nào mệt quá, về nhà tui chỉ ước được nhìn thấy nhỏ em tui cười. Nhưng bên nhà chủ hai tháng họ mới cho về một lần. Có lúc nhớ nó tui hay vòng qua đường đó, nhưng chắc nó ở nhà sau…”

Xe đã qua đoạn dằn xóc khá xa rồi, mà sao chị nghe ruột cuộn lên, đau thắt. Bình minh của thằng nhỏ này sao mà giản dị đến không ngờ, tỉnh giấc trong căn nhà chật chội, thấp lè tè, được nhìn thấy em gái soi gương buộc tóc vội để nhường chỗ cho mẹ chải đầu, cài tay áo bảo hộ lao động, trong khi cha xì xụp bơm lại chiếc xe đẩy cà tàng. Một bình minh chật chội, không cần mặt trời lên xiên nắng qua sương mai, không cần sông trôi bèo trôi. Nhưng đó chỉ là bình minh mơ ước, thằng nhỏ nói, “bữa nào tui thức dậy, cũng thấy có mình ên”.

Chị thì thức dậy với gia đình mình, nhưng trong mắt nhau người đã lạc mất rồi. Nên chiều nay chị mới đi tìm bình minh có hoa có cỏ, tình cờ gặp một bình minh khác, buồn hiu.

(Nguyen Ngoc Tu - Blog Saurieng)

Dời bến

Bà con của một người bà con dẫn cô lên giúp việc nhà họ vào một bữa trời mưa. Cô vắt đôi tà áo ướt đẫm nước, tròn con mắt phân trần, “xứ gì ngộ quá, đâu cũng có nhà mà không có chỗ đụt mưa. Ở đâu cũng tường rào kín mít, kiếm đỏ con mắt mới gặp được mái hiên, tui mới đứng chút xíu đã bị kêu tránh ra cho người ta buôn bán. Phải ở dưới quê bà con còn đem ghế cho ngồi…”

Ngay cái ngày đầu tiên đó cô đã mang một chuẩn mực mới đến với gia đình họ, tạm gọi là “phải ở dưới quê…”. Ngó mấy con cá rô nằm cạnh rổ cải bắp, cô thẩn thờ, trời ơi, phải ở dưới quê, mình nấu cá rô với bông so đũa, ngọt nước dữ lắm. Bông so đũa mùa này trổ trắng trên mấy bờ kinh, mật ơi là mật. Hàng xóm cãi nhau, cô ngó qua rào, “phải ở dưới quê thể nào cũng có người chạy tới can, người ngoài nói tiếng ngọt tiếng lạt, cũng đỡ căng lắm…”. Sau mỗi bữa ăn, cô tần ngần, “phải ở dưới quê, đồ ăn dư như vầy là nuôi được mấy con heo…”.

Cả nhà chủ vừa buồn cười, vừa khó chịu. Họ đã sống một cuộc sống được xem là hiện đại, đầy đủ, họ hài lòng với những gì mình có. Nhưng cô giúp việc tỏ ra không mấy hài lòng, suốt ngày đi so sánh, mà so sánh với nếp quê mới kỳ cục. Phải ở dưới quê, ra vườn chút xíu là kiếm được rổ rau rồi, đâu phải mua chi cho uổng tiền. Phải ở dưới quê, mùa này gió chướng thả cửa, ở trong cái nhà hả họng đón gió sông, mặc sức mà… run, mở máy lạnh làm chi, ngộp quá chừng. Phải ở dưới quê, chặt cây chuối ra ao tập lội, khỏi mắc công đi hồ bơi. Phải ở dưới quê…

Mỗi ngày qua, cô lại đưa ra một vài kiểu so sánh mới, chi tiết và tinh tế đến mức cô đặt cả bụi và cỏ lên bàn cân. Cỏ ở thị thành cũng vô duyên, phải ở quê, cỏ phơi khô, đem đốt, lấy tro trồng đậu, trồng dưa. Chủ nhà quen dần, thấy mến cái cách nói thẳng thừng, gọn lỏn, ngỏn ngoẻn, tỉnh bơ như thể cái xóm nhỏ heo hút kia mới chính là thiên đường. Và cô, dù đã xa mảnh thiên đường đó mà lòng còn cắm sào ở bến sông, níu mãi bụi ô rô, đọt nhãn lồng, hàng lơn nước xanh rêu, con gà mái quýnh quáng gọi đàn con đến bên ổ mối. Cô hòa nhập chậm, bởi bước chân cô kéo theo hàng hàng ký ức, lớp lớp nỗi nhớ. Dễ gì…

Mỗi người có một chuẩn mực của riêng mình để vịn vào, đối chiếu, so sánh. Chủ nhà từng nghĩ cuộc sống hiện đại, sung túc là thiên đường. Nhưng bây giờ thì họ hoang mang, thế giới mơ ước của họ có nguy cơ đổ vỡ trước cô giúp việc ương bướng, bởi cô không nghĩ vậy, gì chớ, quê cô là nhất. Cô là người không dễ bị thuyết phục, kể cả lúc buộc phải đồng tình, ừ cái bếp này không khói, khỏi bị chảy nước mắt, nhưng không khói thì không thơm mùi củi ướt, mùi những con mối nhỏ, trứng kiến bị cháy vàng, mùi khoai lang vùi trong than. Mỗi khi cô “nhưng” nhà chủ thót tim, vì thấy mình thua là cái chắc. Nhiều lúc nằm nhìn cái máy điều hòa thấy mặc cảm dễ sợ, mặc cảm với những ngọn gió phóng khoáng thổi nước chảy tràn lên những bờ sông quê cô. Và việc có nhiều tiền cũng đôi khi làm nhà chủ bẻn lẻn, họ không bao giờ mua được cái chốn nhớ cho mình, với khói đốt đồng, bông khế rụng, mấy con ong bầu vo ve đục kèo nhà làm tổ.

Sáu tháng, cô chỉ có cái lý duy nhất “phải ở dưới quê…” mà xiêu lạc cả nhà chủ. Họ bắt đầu cảm thấy cái nơi mà họ chưa từng đặt chân đến mới là thiên đường. Bữa cô về quê dự đám giỗ, họ nôn nao như chính mình trở về, đám trẻ con dậy sớm, lăng xăng dặn, chị Hai về nhớ đi câu thác lác, bứt bông súng, hái chùm ruột đem lên cho tụi em ăn nghen. Người lớn rảo qua rảo lại, ngó cô giúp việc nháo nhác bên cái giỏ, chỉ mấy hộp bánh tây, trà lài mà cô nhét vào, xổ ra, rồi lại nhét vào, mắc tức. Chút nữa thôi, chuyến tàu trưa sẽ đưa cô về lại thiên đường riêng mình. Nhà chủ ngó cái lưng cô giúp việc khuất dần và nghĩ thầm, mình đã từng có thiên đường, nhưng nó đã không còn nữa.

Cô trở lại nhà chủ cũng một bữa mưa rào. Dường như mưa cuối mùa. Lui cui rửa đôi dép, cô cằn nhằn, “rầu quá, dưới quê bước ra là gặp sình lầy, dơ muốn chết, phải ở thành phố…”.

Chủ nhà hơi khựng lại, ngỡ ngàng. Cô vẫn hồn nhiên, “đám giỗ làm bánh lủ khủ, phải ở thành phố, chạy ra chợ mua cho gọn…”. Lòng cô đã không còn buộc dây nơi bến cũ, thiên đường của cô cũng tan biến mất rồi. Rốt cuộc không có thiên đường nào hết. Chuyện bình thường thôi, cô đã được tiện nghi thành thị nuông chiều, nhận ra một chuẩn mực mới. Một trò chơi nhỏ của thời gian, nhưng mà chơi ác.

Biết vậy, nhưng nhà chủ vẫn buồn, vì lòng họ đã neo vào một cô giúp việc quê mùa, hồn nhiên, chân chất của mưa xưa.

(Nguyen Ngoc Tu - Blog Saurieng)

Không chơi súng

Buổi tối nhận được tin nhắn nội dung : “30/04, nên vui hay nên buồn ?”. Số điện thoại không được tui gắn tên này, có lần hỏi, “Có theo đạo nào không Tư ?”. Tui cứ nghĩ là một người quen khá thân nào đó mà mấy lần đổi điện thoại mình bỏ sót không mang vào danh bạ. Bởi không thân thì sẽ hỏi vầy, “cô Tư có theo đạo nào không ?” Hay “nhà văn có theo đạo nào không ?”. Chắc một trong mấy thằng bạn mình, những người đã biết là tui tửng trân, nghĩ vậy, nên nhắn lại, “hì hì, tui theo đạo… tặc”. Ngay lập tức bị phản ứng, “nói gì ghê vậy Tư ?”. Ừa ghê thật, tui thừa nhận, ghê nhất là đi đùa với một người mà ta không biết là ai. Ghê nữa là sau đó lại nhận được một địa chỉ web, hỏi đây là web gì (hi hi, tưởng web… sex), thì trả lời “đấu tranh vì dân chủ”. Bất ngờ quá !

Giờ lại nhận thêm một câu hỏi, 30/04 có đáng để vui không ? Vui chứ. Mọi người được nghỉ một ngày, được lì xì tiền, được đi chơi, cũng nghĩa là thằng con tui được thoát khỏi trường học một ngày (nói chung thoát được nhiêu thì mừng nhiêu thôi). Tui nghĩ mãi không hiểu sao ai đó lại buồn, với dịp kỷ niệm ngày chấm dứt đạn bom rơi. Cho dù ở phía nào thì với việc cuộc chết chóc chấm dứt, đất không còn phơi xác người, sự sống này không đáng vỗ tay sao ?

Có thể tui sinh sau chiến tranh, có thể tui không hiểu cuộc chiến đó, nhưng tui nghĩ giản dị vầy, không còn chuyện thương vong chết chóc, tên bay đạn lạc, bên nào thắng tui cũng mừng. Con người còn giữ được hơi thở mới có thể nghĩ tới yêu, tới chính trị, tới hận thù, tới… nhắn tin, blog. Sống cái đã. Sống là được rồi. Chuyện khác, thí dụ như ai thắng ai thua, cách thắng cách thua… tính sau.

Có thể nếu ba tui ở phía thua, một dịp nào đó của năm người thắng tưng bừng cờ hoa, chắc ba tui cũng chép miệng than, ngày này có vui gì đâu. Tui sẽ nói, “con thấy vui à ba, tại vì ba không phải chết, nên giờ còn ba ngồi đây với con, đọc những gì con viết, hãnh diện với những gì con làm…”. Ba tui có thể bất mãn, than vãn chính quyền, tui cũng cười luôn, “có ai mà không lỗi lầm, khuất tất, chính quyền cũng vậy... Ở đâu không có tham nhũng đâu, ba chỉ con đi…”. Nhìn về đất nước như nhìn một tờ giấy trắng lem tí mực, có người chỉ nhìn thấy vết mực, cũng có người nhận ra đó là tờ giấy trắng, có người thì nghĩ, dù bị lem mực thì đó vẫn là tờ giấy trắng.

Tui là người thuộc dạng thứ ba, nhìn thấy mực nhưng vẫn rưng rưng trước giấy thơm lừng. Nên bạn bè nào nếu muốn rủ rê tui vào nhóm chỉ nhìn thấy mực, thì xin đừng… (vụ này tui có viết một entry dài, dưới đây tui sẽ copy lại) Đó là lý do tui không thích ai đó đem súng tặng tui, hoặc rủ tui chơi súng.

Tui đã từng viết một truyện ngắn, có đoạn vầy, “có anh nọ đi mua cây súng đồ chơi của Trung Quốc, hỏi mua cho con hay cho em nhỏ, ảnh cười buồn, tôi tính dùng cây súng giả này nhắm vào một người để dạy nó cách bỏ súng xuống. Người bán đồ chơi cầm tiền tấp tểnh đi vào, nói, hòa bình bao nhiêu lâu rồi, mà nghe chuyện súng đạn, vẫn còn thấy ớn quá.

Hồi đó, ông cũng cầm súng để dạy bên kia cách bỏ súng, ai dè mới nâng súng lên, chưa kéo cò, bên kia sợ chết nên nhả đạn trước. Ông đi cà nhắc luôn. Cầm súng lên, dù với thành ý gì thì cũng không nên, ông nói với anh”.

Đó là quan điểm của tui, chơi súng kiểu gì tui cũng hông thích, dù đó là súng nước. Nên cái ngày đặc biệt của tháng Tư này mà không ca hát, thì chờ tới dịp nào nữa ???

(Nguyen Ngoc Tu - Blog Saurieng)

Mộ Gió

Hồi ấy chị lên mười ba, em nhỏ hơn hai tuổi.

Mười bảy tháng Mười năm đó, ba má đi đám giỗ, để hai chị em lại nhà. Lúc xách cặp chèo ra cửa má ngoái lại dặn chị :
- Ở nhà coi chừng em...

Chị dạ. Má rải lời dặn dò nằm lển nghển khắp nơi. Chị ngó ngoài sân thấy “Coi chừng ông trời chuyển mưa thì đem củi vô nhà“ và ”Đóng cái cổng rào lại” đứng dựa hàng bông lồng đèn kêu cọt kẹt, bước vô nhà vấp “Lấy chổi rơm quét mạng nhện trên bàn thờ” và “Nhà hết gạo rồi, con lội bộ lại đằng tiệm mua nấu đỡ” thì nằm nép trong góc bếp. Ở sàn lãn gió thổi xập xòe làm “Còn mấy con cá rô đem kho tiêu” đập đuôi xao xác vách thùng.

Một mình chị làm bao nhiêu chuyện đó cũng xong, nhưng em cứ cà nhổng chạy chơi với chuồn chuồn thì ức. Ba hay nói phải chia việc mà làm, “mỗi người có một bổn phận...”. Con trai kiếm cá con gái hái rau, con trai ra ruộng rẫy con gái vùi đầu trong xó bếp. Bao giờ con trai trở thành đàn ông nó có bổn phận đưa tay đánh, còn con gái (giờ đã là đàn bà) thì giơ thân ra chịu đòn. Vụ đó ba không dạy, hai chị em tự biết thôi.

Những bài học về bổn phận chị thuộc nằm lòng, nên khi em đòi đi tiệm mua gạo thay vì bắc ghế quét mạng nhện bàn thờ, chị buộc lòng gật đầu. Làm chị phải nhường em.

Chị thích được đi tiệm để săm soi mấy cây kẹp tóc thèm chơi. Nhưng tiệm cũng là thiên đường của em, với những cục kẹo sặc sỡ như những cái bong bóng sặc sỡ. Dù mỗi lần em đi tiệm dường như răng lại mòn hơn, dù em hay chểnh mảng kiểu như mua đường cát về tới nhà thấy cát nhiều hơn đường, còn lẫn lộn thêm mấy con cuốn chiếu. Bữa trước đi mua đậu trắng em về với cái túi không, đậu chảy theo cái lỗ thủng rải dọc đường như cô công chúa Mỵ Châu để lại dấu vết cho chồng. Bữa trước nữa em lội sông mang gạo về, má phải đem mớ gạo ướt mèm xay bột.

Sẽ xảy ra vài kịch tính ở quãng đường giữa nhà và tiệm tạp hóa bà Tư Mốt: một nhánh cây gãy lộ ra ổ ong mật, một con diều của ai đó mắc kẹt trên đọt so đũa, một tiếng chim hót nghe gần... cũng làm chân em chậm lại mươi phút hay vài giờ hay hết phim, nếu nhà bà Tư Mốt đang mở một cái phim võ thuật kiểu như Hỏa thiêu Thiếu Lâm tự.

Nên trưa ấy quá bữa rồi mà gạo chưa về tới nhà, chị tưởng em còn hóng hớt đâu đó. Cái mẻ kho nằm nguội ngắt chờ cơm.

Nhiều ngày sau đó, khi xóm nhỏ nháo nhác vì một cư dân mười một tuổi đã biến mất, chị vẫn nghĩ em đang chơi đâu đó. Chị giận sôi những người đã tỏ ra thất vọng khi không tìm thấy thi thể em, ở ngoài đồng hay dưới đáy sông. Một câu đố không tìm ra câu trả lời, ông trời cà chớn quá.

Nhiều tháng sau đó, khi ba má vẫn vật vã rã rượi, chị vẫn nghĩ em đi chơi đâu đó sẽ về. Cho tới khi má rọi cái ảnh em hồi mười tuổi đặt lên bàn thờ, đứng chung với mấy ông bà già u mặc. Trong ảnh, em mặc áo thun vàng đồng phục của đội bóng nhi đồng trường lúc đang nhận giải ba cấp huyện, mặt em nghiêng về trái khoe mụt ruồi lớn như con ve chó, giống như hình ảnh cuối cùng của buổi sáng ấy chị ngó thấy em chạy vù đi.

Cái ảnh là kết cuộc cho những chờ đợi nhưng hi vọng đã bay hơi theo ánh mặt trời. Má sực nhớ biết đâu thi thể thằng nhỏ trôi ra biển hay bị kẹt dưới chân cầu nào, rồi âm thầm tan rã. Biết đâu giờ hồn nó vất vơ vất vưởng đói ăn. Ba má bắt đầu kêu em về trong những bữa cơm. Có lần chị quên không dọn dư ra một cái chén, ba bợp tai chị cắm đầu, nói “đã kêu mày coi chừng em rồi mà...”.

Coi như chị đã được định tội xong, và định sẵn cho mọi lỗi lầm dù chẳng mấy liên quan như chuột cắn ổ gà, dông làm ngã cây đu đủ... Nếu mỗi lần đau trên người chị mọc sợi lông, thì những lần má ngồi khóc bên sông, những lần ba buông đũa giữa bữa cơm bởi tiếng bầy trẻ trai đi bắn chim ngang nhà, những cái tết lặng lờ qua, những khói nhang tối tối, những lần giở quần áo em ra giũ bụi... đã biến chị thành con khỉ.

Và nếu mỗi lần đau là một giọt nước, một hạt cát thì chị thành sông, thành đồi cát năm ba mươi tuổi.

Chị sống một mình. Mỗi khi định cười giòn thì chợt nhớ mình đã để mất đứa em. Mỗi khi định lấy ai đó làm chồng thì nhớ trong cơn mê sảng má thảng thốt kêu Võ, Võ ơi. Mỗi khi định sống cho ra con người thì nhớ ba lúc lâm chung vuốt mãi mắt mới chịu nhắm.

Chị vẫn tin em đi chơi đâu đó. Nhà vẫn cặm trên nền cũ, vườn cũ, kiểu cũ. Cây nào chết thì trồng lại y giống cây đó. Đoạn rào nào gãy thì được thay giống hệt. Chị chôn chị chỗ buổi sáng em guộn mấy tờ giấy bạc mua gạo vô dây lưng quần cộc xanh dương, áo màu xám tro lấm lem mủ chuối vẫy tay rẽ trái chạy vù về phía tiệm tạp hóa bà Tư Mốt. Lúc đi em không đóng cửa rào làm mấy con gà đi qua nhà hàng xóm bươi tơi bời giồng cải họ mới gieo.

Một bữa chị qua hàng xóm mượn trẻ con nhổ tóc ngứa, đang ngủ gà gật, đang lúc hờn hờn cái thân mình chẳng có đứa nhỏ để sai vặt, chợt nghe bên nhà chó sủa. Chị hỏi vóng qua hào ranh. Người đó ngập ngừng:

- Cho tôi hỏi nhà chú Mười Hưng.

- Phải rồi, nhà ba tui đó, cậu kiếm ai?

- Em Võ nè, chị Hai...

Người đó nói vậy. Chị không biết cách nào mình đã về đến nhà, bay, hay bò lết, hay nhảy ào xuống hào càn qua những dây rau muống. Chỉ biết chị phải về sụp xuống trước bàn thờ, để thưa:

- Đó, ba má thấy chưa, con đã nói là thằng Võ đi chơi mà...

Chị quỵ ở đó rất lâu, tóc xấp xải trải xòe ra đất, lưng khum khum như một ngôi mộ. Chị không hỏi em đã đi đâu, chẳng ích gì... Đàn ông rong ruổi đường xa, đàn bà vạ vật ngồi canh cửa, đời phân công vậy mà...
 
(Blog Saurieng - Nguyen Ngoc Tu)



 

Đêm thấy ta là thác đổ

Mat Biec

Niệm Khúc Cuối

When You Tell Me That You Love Me

I Have a Dream










Khuyến mãi Mobifone

MobiFone tung 4 gói cước nội mạng giá cực rẻ
MobiFone vừa tung ra một chương trình khuyến mại đặc biệt hấp dẫn dành cho khách hàng trả trước, giúp tiết kiệm tới 97% cước gọi nội mạng.

Chương trình có tên gọi Chào Xuân Tân Mão với mức tiết kiệm từ 94%-97% cước gọi nội mạng dành cho thuê bao trả trước đang hoạt động trên toàn quốc. Theo đó, để được hưởng mức khuyến mại đặc biệt này này, khách hàng có thể đăng ký mua các gói khuyến mại Tân Mão với giá mua gói cước hấp dẫn và thoải mái trò chuyện trong vòng 30 phút, 90 phút, 630 phút hay 2.700 phút.
Cụ thể gói 1 giá 2.500 đồng được gọi nội mạng miễn phí 30 phút trong vòng 1 ngày, tính đến thời điểm 24h của ngày đăng ký. Gói 2 giá 5.000 đồng được gọi nội mạng miễn phí 90 phút trong vòng 1 ngày, tính đến thời điểm 24h của ngày đăng ký. Gói 3 giá 30.000 đồng, được gọi nội mạng miễn phí 630 phút trong vòng 7 ngày, tính đến thời điểm 24h của ngày thứ 7 tính từ thời điểm đăng ký thành công. Gói 4 giá 99.000 đồng được gọi nội mạng miễn phí 2.700 phút trong vòng 30 ngày, tính đến thời điểm 24h của ngày thứ 30 tính từ thời điểm đăng ký thành công.
Khách hàng của MobiFone có thể dễ dàng đăng ký mua các gói khuyến mại trên đây bằng việc gửi tin nhắn tới đầu số 999. Cú pháp nhắn tin đăng ký các gói 1, 2, 3, 4 lần lượt là: DK_TM30, DK_TM90, DK_TM630, DK_TM2700 (200 đồng/ sms). Sau khi có tin nhắn xác nhận của tổng đài, để khẳng định việc mua gói khuyến mại, khách hàng chỉ cần nhắn Y và gửi 999. Để hủy không tham gia chương trình này, cú pháp nhắn tin là: HUY_TM, gửi tới 999 (200 đồng/sms).
Thuê bao của MobiFone có thể tiết kiệm từ 94%-97% cước gọi nội mạng
Chương trình khuyến mại Chào xuân Tân Mão này dành cho các thuê bao trả trước của MobiFone đang hoạt động hai chiều, phát sinh cuộc gọi, có số tiền trong tài khoản chính lớn hơn hoặc bằng số tiền mua gói và tiền cước gửi tin nhắn đăng ký.
Thời hạn sử dụng của gói phụ thuộc vào thời hạn sử dụng của tài khoản chính. Khi khách hàng có nhu cầu đăng ký nhiều gói khuyến mại của chương trình này, các gói cước sẽ được cộng dồn (cả thời gian gọi miễn phí và thời hạn sử dụng của gói).
Đây là lần đầu tiên MobiFone triển khai chương trình khuyến mại theo hình thức này và sẽ có 2 đợt thực hiện. Đợt 1 chỉ áp dụng cho các thuê bao phát sinh cước tại khu vực Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và Bình Dương. Thời gian có hiệu lực của đợt 1 từ ngày 29/1/2011 đến hết ngày 13/3/2011. Đợt 2 áp dụng cho các thuê bao trên toàn quốc phát sinh cước trong thời gian từ ngày 15/1/2011 đến hết ngày 5/2/2011. Thời gian có hiệu lực của đợt 2 từ ngày 8/2/2011 cho đến hết ngày 13/3/2011.
Chương trình trình khuyến mại đặc biệt này chỉ áp dụng cho các cuộc gọi nội mạng trong nước, không áp dụng cho các trường hợp thực hiện cuộc gọi khi đang sử dụng dịch vụ chuyển vùng trong nước/quốc tế, dịch vụ Music Talk… Số phút gọi nội mạng miễn phí không phân biệt giờ rỗi, giờ bận.

ST (theo ICTnews)
PS: Theo thông tin thì cho đến hôm nay 08/5/2011, chương trình này vẫn còn được áp dụng cho các thuê bao trả trước.

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Tiền và Vợ


Còn tiền... vợ nói líu lo,
Hết tiền... vợ hét, vợ "ho" suốt ngày!
Còn tiền... vợ hiền như nai,
Hết tiền... vợ mắng như nài quản voi!
Còn tiền... nhỏ nhẹ, hẳn hoi,
Hết tiền... vợ réo như còi hỏa xa!
Còn tiền thì... vợ hiền hòa,
Hết tiền... vợ dữ như là chằn tinh!
Còn tiền... vợ gọi: "Anh... anh",
Hết tiền... vợ gắt như chanh không đường!
Còn tiền... tình thương... mến thương,
Hết tiền... vợ đạp rớt giường như chơi!!!

Mưa Vĩnh Hưng

Đám mây đen ướt sũng nước nằm chắn ngang phía con đường đang vút tới, như một cánh cửa đóng sập xuống. Vĩnh Hưng đằng trước. Cột cây số nói vậy. Nhưng sấm chớp thì nói đi nữa sẽ gặp mưa ướt mèm, có đáng không ?


Bạn đã đối diện với câu hỏi đó hàng trăm lần trong đời, "Có đáng không ?". Gã đó có đáng cho ta ba chấm (*) không, chuyện đổ vỡ nhỏ đó có đáng cho ta buồn không, thất bại đó có đáng cho ta ngã gục không… Và "có đáng không" nhiều lúc được hiểu như "nơi đó có gì hay mà ta phải cực thân dữ vậy?". Đó là những khi bạn trên đường gió bụi, phải dắt chiếc xe cán đinh thất thểu đi tìm chỗ vá, phải nằm queo trong căn phòng trọ mốc meo không điện không nước cửa không chốt gài, phải thấy mình đang ngun ngút bốc hơi trong nắng lửa, và gió cát tát vào mắt…

Do dự vặn vẹo làm bạn mệt phờ, nó muốn bạn bỏ dở cuộc đi, ru ầu ơ chăn gối ấm ví dầu tắm nước nóng… Có khi nó thắng. Cũng có khi bạn kháng cự bằng tất cả những gì bạn có, đây này đồi chè đây này suối nước nóng, và những cánh đồng triền miên hoa cải, nhưng nhiều lúc bạn chỉ có mỗi cái tên, một chấm nhỏ trên bản đồ. Và từng ấy cũng đủ. Những Khâu Băng, Rừng Lạnh, Khau Phạ, Cành Nàng, Đồng Bụt, Thứ Mười Một… Những cái tên gợi cảm, xa xăm, sâu thẳm như được gọi lên từ một miền trời khác. Những cái tên khiến bạn thèm ăn chúng, hít thở chúng. Những cái tên mời mọc bạn lên đường và giữ bạn trên đường.

Và bạn chưa bao giờ thất vọng, ngay cả nơi đó khô rốc gió Lào, lèo tèo vài hàng quán nhỏ, bụi mù đỏ và không một bóng cây. Có lẽ thất vọng thường đi kèm lời hứa, nhưng bạn hầu như chẳng nhận được lời hứa nào. Chúng chỉ như bảo, tôi đây, đến với tôi đi, tôi có gì á, tới đây rồi biết. Như Vĩnh Hưng, không thể hiện chút gì về mình ngoài cái tên cheo leo nơi biên giới. Ở chỗ cách Vĩnh Hưng bảy cây số, thực sự cái bạn đang có chỉ mưa là mưa. Không, tận hai cơn mưa, chúng kẹp bạn ở giữa. Tạt vô một căn nhà bên đường trốn ướt, bạn vuốt nước mưa trên mặt, thấy Có Đáng Không nhăn nhở chập chờn. 

Nhưng nó biến mất tăm, kể từ bạn ngó ông già đang nằm ngủ bộ vạc trước nhà. Chân buông thõng xuống, cái quần cộc rộng lồng gió phất phơ, hồn nhiên để lộ những cơ bắp chảy nhão. Ông già ngáy đều, nghe trong mưa có tiếng lật phật của môi. Bộ điệu nhẹ nhỏm như thể giấc ngủ đến rất tình cờ, như thể ông già đang ngồi đợi ngắm mưa thì buồn ngủ quá nhẹ nhàng lăn ra vạc, bỏ trời đất bơ vơ.

Cửa nhà mở toang. Ghé đụt mưa cả buổi chỉ có một chị ló đầu ra ngó, cười tươi rồi lại biến mất, bên trong tiếng trẻ con ríu ran. Ông già nằm không cục cựa, giấc mơ trưa trôi giữa cơn run rẩy của đất trời. Con chó nằm cạnh cái tủ thờ chỉ ngóc đầu lên ngó rồi gối đầu lên chân lim dim. Mấy cây bàng xòe tán che kín mặt sân, lá rụng chở mưa xuống đất cho mưa đỡ đau.

Bạn nín thở rón rén bỏ đi. Bạn sợ chút nữa đây con chó sẽ sủa những âm thanh hằn học và ông già bị đánh thức, trẻ con trong nhà sẽ ùa ra hỏi hau háu ủa dì ở đâu mà đi tới đây, Vĩnh Hưng chán thí mồ mà chơi gì ? Tụi nhỏ sẽ không bao giờ tin bạn tìm được thiên đường ở đây, ngay nhà chúng.

Tụi nhỏ không bao giờ hiểu cái cảm giác thanh bình này đáng giá bao nhiêu, và bạn phải đi xa bao nhiêu mới gặp. Có những nơi trên dãi đất này, nó đẹp không phải vì cảnh đẹp. Bên ngoài thềm nhà đó cũng là xóm làng mênh mông, đi lòng vòng cả buổi bạn không gặp một nét mặt thăm dò, không nhìn thấy sự dè dặt, thù hằn, không có ai dõi mắt theo, không một tiếng động nào chát chúa. Bình yên lẩn khuất trong từng nắm mưa lâm thâm, trong bộ điệu lừng khừng nửa trôi nửa dừng của mấy chiếc tắc rán giữa sông, trong cái barie chỗ vọng gác biên giới được anh lính biên phòng nào lơ đãng kéo chếch lên, như không còn gì ngăn cách ta và bạn, trong mưa này. Vài bà già làm công quả trong chánh điện chùa Nổi đang rị mọ lau mấy cái chân đèn, bỗng có bà dừng tay bồn chồn bới củ tỏi lại búng tóc sương, khi nghe tiếng ho từ ngôi nhà sàn bên kia màn mưa - chỗ ông thầy trụ trì chùa đang ở. Chẳng hiểu sao bạn nghĩ tới một mối tình thầm, man mác, trắc trở. Chắc tại mưa khiến xui…

Lúc trở về ngang qua cái nhà mà mình khi nãy ghé qua, thấy bộ vạc trống trơn. Chắc là ông già nghe lạnh nên tỉnh dậy mất rồi. Vĩnh Hưng như một giấc mơ, chỉ mưa là thật…
(Blog Saurieng - Nguyen Ngoc Tu)

Đơn vị Thận Nhân Tạo - Bệnh viện quận 8

Thêm một trung tâm chạy thận nhân tạo ở TP HCM

Ngày 6-5, Sở Y tế TPHCM, Bệnh viện quận 8 và Công ty TNHH Thương Mại Thiết bị Y tế Toàn Cầu tổ chức lễ khai trương đơn vị chạy thận nhân tạo.

Với 15 máy lọc máu đưa vào sử dụng, sáng 6-5-2011 Sở Y tế TP HCM công bố Bệnh viện quận 8 chính thức trở thành đơn vị mới tiếp nhận các bệnh nhân suy thận mạn tính có nhu cầu lọc máu.



Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Bệnh viện quận 8 cho biết, với 15 máy chạy thận nhân tạo được trang bị, mỗi ngày đơn vị thận nhân tạo của bệnh viện này có thể lọc máu cho hơn 40 bệnh nhân.

Đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết, tất cả bệnh viện có dịch vụ chạy thận trên địa bàn hiện chỉ phục vụ khoảng 10% lượng bệnh nhân có nhu cầu. Điều này khiến người bệnh luôn phải tập trung tại các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, 115..., chính vì thế việc ra đời thêm một địa chỉ lọc thận sẽ giúp người dân quận 8 và các quận lân cận bớt cảnh chờ đợi, hoặc phải đi xa.


Giám đốc Bệnh viện quận 8 cho biết thêm, đề án thành lập đơn vị chạy thận nhân tạo được bệnh viện lên kế hoạch thực hiện từ năm 2010. Việc đầu tư trang thiết bị, đầu tư nhân lực, tiếp nhận công nghệ từ các bệnh viện có uy tín về tiết niệu đã được tiến hành.

Bác sĩ Thủy cũng cho hay, giá mỗi ca chạy thận tại bệnh viện cho những bệnh nhân có bảo hiểm y tế là chưa đến 200.000 đồng.

Tại các bệnh viện ở TP HCM, mỗi ngày có trên 1.000 bệnh nhân ngụ tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận đến chạy thận nhân tạo. Nhu cầu điều trị cao khiến "các điểm nóng lọc máu" luôn ùn ứ, nhiều bệnh nhân phải chờ đợi đến đêm để được chạy thận.

Bệnh nhân có nhu cầu lọc máu là những người bị suy thận mạn tính, tức thận yếu hoặc không còn khả năng lọc chất độc trong máu. Điều này khiến người bệnh mệt mỏi, thậm chí tử vong nếu không được làm sạch máu bằng chạy thận nhân tạo.