Chị gọi thằng nhỏ chạy xe ôm ngoài đằng đầu hẻm chở ra ngoại thành tìm mua một mảnh đất rộng để xây nhà vườn. Thằng nhỏ này lanh chanh, nhiều chuyện, mau mắn, gì cũng biết, gì cũng nói được. Chị lẳng lặng nghĩ, chắc hàng ngày cậu ta hay chở khách quen về đường này.
Nên cậu ta nhớ được chòm cây tràm bông vàng ở khúc quanh nào, đoạn nào sẽ có ngôi miếu hoang, quãng nào đường dằn xóc. Cậu ta đưa chị đi khá xa, dân cư bắt đầu thưa thớt, nhưng bảng bán đất nhiều lên. Những cái bảng được kẻ bằng nhiều màu sơn khác nhau, nét chữ khác nhau, cái thì đổ tháu run rẩy, cái thì nắn nót, thơ dại như nét chữ học trò : “Ở đây có bán đất”, nhẹ nhỏm như “ở đây có bán giấm”, “ở đây có bán heo con”. Ngang qua cái bảng viết sai chính tả “Báng đất”, chị định cười thì thằng nhỏ xe ôm buông giọng ngậm ngùi, “Tui thấy cặm bảng bán gì cũng được, nhưng cái bảng bán đất thì buồn quá, buồn hơn hết thảy”. Chị hơi chồm ra đằng trước, ngó mặt thằng nhỏ qua vành tai đen đúa của nó, vì câu nói này ngộ quá. Rồi chị day nhìn bên đường, chắc là bị tác động bởi lời thằng nhỏ, bỗng dưng chị thấy những cái bảng cặm trước nhà người cũng hơi… buồn, trơ trọi, nhỏ nhoi, đìu hiu trong cỏ. Mà, cái “bán dừa khô” hay “bán lá chầm đóp” cũng cỏ cheo leo, đâu có buồn riêng nào cho hai từ “bán đất” ?!
Chị định cãi, nhưng thằng nhỏ dừng xe lại. Thêm mấy lượt dừng, chó trong xóm mấy lượt sủa ran, chị mới tìm được mảnh đất ưng ý. Đủ rộng để cất một biệt thự, chung quanh là ao cá, vườn cây, lối đi vòng vèo những thảm cỏ xanh. Chị thích đến nỗi không quan tâm giá cả. Rảo quanh một vòng, thằng nhỏ xe ôm lọm thọm đi đằng sau, nghe chị thao thao vẽ giang sơn của mình. Nhà sẽ day mặt hướng Đông, biệt lập với con đường bởi một dòng sông nhỏ. Chị đứng ở một gốc cây vú sữa già nua, tưởng tượng đây là phòng làm việc của mình, khi mệt mỏi hay căng thẳng, chị ngước lên, sông sẽ rợp trong mắt với bèo, với lục bình, với mây trôi bóng nước. Day sang trái là một bờ lau sậy đang trổ bông trắng xóa, bên phải là vạt hoa sao nhái vàng bừng lên trên nền cỏ xanh. Thằng nhỏ nghe chị với một sự ngạc nhiên kỳ lạ, nó nói, chị mê mấy cái mắc cười quá, nào là sông, nào là sậy, mấy thứ đó cũng thường thôi mà.
Chị nhìn thằng nhỏ với ánh mắt bao dung, cười, “thấy thường vậy, nhưng ở thành phố kiếm không ra đâu nhỏ à. Ngày nào cũng chen chúc, cũng vội vã, cũng mệt mỏi, vùi đầu vô cái máy tính với bốn bức tường, ra đường thì xe cộ khói bụi nghẹt thở…”. Trong cơn cao hứng, chị nói luôn một thôi một hồi, về những nhàm chán, những ngột ngạt của cuộc sống, về những giấc mơ ướt đẫm mồ hôi, thấy mình bị trói trong hàng trăm sợi dây rối bời, càng vùng vẫy chúng càng siết chặt, khủng khiếp hơn là những chiêm bao thấy mình chìm trong làn nước đen ngòm. Chị nói về cái cảm giác tù đọng khi thức giấc với bốn bức tường câm lặng, hé cửa ra là sóng âm thanh hổn độn của đường phố xô vào. Những bình minh lặp đi lặp lại, không bao giờ nhìn được mặt trời lên, vội vã áo quần, vội vã tất giày, vội vã phấn son rồi ào ra đường, ào qua ngày, qua tháng, qua năm.
Chị muốn có những bình minh khác, bình minh tươi mới ở ngay trên mảnh đất còn lộn xộn cây tạp, cỏ hoang này, mở cánh cửa kính váng sương mờ và nghe mùi đất bừng trong mũi. Nhưng thằng nhỏ xe ôm chẳng có vẻ gì là hiểu được cuộc sống mệt mỏi của chị, nó cười cười. Tác dụng rõ ràng nhất là chị thấy giải tỏa những bức bối, thấy nhẹ nhỏm, hân hoan, hay vì buổi bình minh chị hình dung quá rực rỡ, hay vì buổi chiều ở cái xóm ngoại ô này quá yên tĩnh êm đềm, đến nỗi chị nghe được tim thằng nhỏ chạy xe ôm đập thình thình khi chị trao tiền cọc cho phía chủ.
Dọc đường về, thằng nhỏ trầm lặng hẳn đi, qua một khúc quanh nó chỉ vào cái biệt thự nằm ẩn hiện trong vườn, nó nói “chỗ này hồi trước là nhà em”. Giọng nó ỉu xìu. Chị cầm câu nói như lần một đầu dây theo thằng nhỏ, hèn gì nó rành rẽ con đường này, cái xóm này. Hèn gì nó biết rành ngôi miếu kia có tổ ong vò vẽ lớn, biết chòm cây kia bị gió xô ngã bao lần, biết nơi nào có mảnh đất như chị ước ao. Trên đường theo dấu cuộc mảnh đời, chị ngang qua cái câu ngậm ngùi khi nảy, “thấy cặm bảng bán đất sao mà buồn”. Và chạm vào nhịp tim bất thường của nó lúc chủ đất run rẩy đếm tiền.
Thằng nhỏ thấy mình trở về năm năm trước. Choáng váng cầm món tiền chưa từng có trong đời, mua sắm thỏa thuê, không còn đất trồng cải, trồng dưa, nuôi cá, cả nhà sống bằng tiền rứt từng thước đất. Tiền cũng hết lúc đau ốm thắt ngặt phải bán nhà, đi thuê lại một căn trọ để sống. Người trong nhà chia nhau đi tứ tán, con gái đi ở mướn, con trai chạy xe ôm, mẹ làm công nhân vệ sinh, cha đẩy xe trái cây đi bán. Thằng nhỏ nói bằng cái giọng run run, “bữa nào mệt quá, về nhà tui chỉ ước được nhìn thấy nhỏ em tui cười. Nhưng bên nhà chủ hai tháng họ mới cho về một lần. Có lúc nhớ nó tui hay vòng qua đường đó, nhưng chắc nó ở nhà sau…”
Xe đã qua đoạn dằn xóc khá xa rồi, mà sao chị nghe ruột cuộn lên, đau thắt. Bình minh của thằng nhỏ này sao mà giản dị đến không ngờ, tỉnh giấc trong căn nhà chật chội, thấp lè tè, được nhìn thấy em gái soi gương buộc tóc vội để nhường chỗ cho mẹ chải đầu, cài tay áo bảo hộ lao động, trong khi cha xì xụp bơm lại chiếc xe đẩy cà tàng. Một bình minh chật chội, không cần mặt trời lên xiên nắng qua sương mai, không cần sông trôi bèo trôi. Nhưng đó chỉ là bình minh mơ ước, thằng nhỏ nói, “bữa nào tui thức dậy, cũng thấy có mình ên”.
Chị thì thức dậy với gia đình mình, nhưng trong mắt nhau người đã lạc mất rồi. Nên chiều nay chị mới đi tìm bình minh có hoa có cỏ, tình cờ gặp một bình minh khác, buồn hiu.
(Nguyen Ngoc Tu - Blog Saurieng)