Có một nhà văn Nga đã nói: "Một dân tộc có quá nhiều anh hùng là một dân tộc bất hạnh", và Việt Nam có lẽ cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Trong thế kỉ 20 vừa rồi, nếu không tính các cuộc khởi nghĩa vũ trang để chống lại thực dân Pháp và đế quốc Nhật thì thời gian Việt Nam nằm trong khói lửa chiến tranh để bảo vệ quyền được sống của dân tộc là ngót nghét nửa thế kỉ (1945-1990).
Về nguyên nhân của cuộc chiến tranh Việt Trung 1979-1990, cao trào của chiến tranh Đông Dương lần thứ 3, xuất phát sâu xa từ nhiều phía.
Nguyên nhân và hoàn cảnh:
Nguyên nhân khách quan nằm ở sự đổ vỡ của quan hệ Liên Xô - Trung Quốc, vốn là 2 đồng minh CS thân cận của Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và chiến tranh chống Mĩ 1946-1975. (Đông Dương : 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia).
Năm 1953, lãnh tụ Liên Xô Stalin qua đời, Mao Trạch Đông là người lão làng nhất trong thế giới CS nên muốn tranh giành ảnh hưởng vị trí Anh cả Đỏ với Liên Xô. Mao cũng là người tiên phong chống lại phe "Chủ nghĩa xét lại" đứng đầu là Bí thư thứ nhất Nikita Khrubshev của Đảng CS Liên Xô. Căng thẳng dần dần lên cao dẫn tới việc đến đầu những năm 1960, Liên Xô đã rút hết hoàn toàn các chuyên gia của họ từ Trung Quốc về nước và chấm dứt trợ giúp mọi mặt cho Trung Quốc. Hai bên cũng đồng thời đồn trú quân suốt dọc tuyến biên giới dọc từ East Turkestan đến Vladivostok với số lượng đến hàng chục sư đoàn mỗi bên trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Mặc dù vẫn viện trợ đều đặn cho Việt Nam suốt giai đoạn chống Mĩ nhưng đồng thời với việc nhóm lãnh đạo có khuynh hướng thân Nga trong Đảng CS Việt Nam giai đoạn những năm 60,70 ngày càng lớn mạnh và củng cố quyền lực thì viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam cũng ngày một lớn dần so với viện trờ từ phía Trung Quốc. Đồng thời với tình đồng chí gọi là "môi hở răng lạnh" Việt-Trung cũng ngày càng nhạt dần, nhất là sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời tháng 9 năm 1969.
Căng thẳng Xô-Trung lên cao đến đỉnh điểm khi đầu tháng 3 năm 1969, Trung Quốc bất ngờ tấn công hòng chiếm đảo Damanski (Trân Bảo) thuộc vùng Amour viễn Đông của Nga, làm khoảng 80 lính biên phòng của Liên Xô thiệt mạng. Cuộc đánh chiếm thất bại và Trung Quốc tổn thất khoảng 600 trăm lính chết và bị thương.
Cùng thời gian này cho tới khi chiến tranh Việt Nam kết thúc tháng 4 năm 1975, mối bất an nghi kị trong ban lãnh đạo Việt Nam với người "đồng chí" Trung Quốc càng lớn. Dù viện trợ to lớn cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ nhưng song song với đó là số lượng Hoa Kiều có mặt tại Hải Phòng, Hà Nội tham gia buôn bán, tiểu thương ngày càng lớn mà người Trung Quốc ở đâu, tai mắt họ ở đó.
Tại mạn biên giới phía bắc thì lấy danh nghĩa giúp Việt Nam làm tuyến đường sắt Lạng Sơn - Nam Ninh, Trung Quốc cũng cho xê dịch nhiều cột mốc biên giới trên toàn tuyến lùi về phía Việt Nam. Các công nhân đường sắt Trung Quốc cũng cho chôn trong mộ giả những thứ mà sau này ít ai ngờ đến: các loại tiểu liên AK47, đạn cối, đạn 12 ly 7 mà đến năm 1979, khi xâm lược Việt Nam, họ đào lên lấy ra dùng.
Ngay trong năm 1956 thì lợi dụng quân đồn trú Pháp rút đi theo hiệp định Geneve, Trung Quốc đã cho quân đổ bộ lên nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa (nhóm An Vĩnh) trước khi quân đội Việt Nam Cộng Hoà (nam Việt Nam) kịp đổ bộ lên đóng giữ nhóm phía Tây (nhóm Nguyệt Thiềm), trong sự bất ngờ và bất lực của cả hai chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (bắc Việt Nam) và Việt Nam Cộng Hòa (nam Việt Nam).
Càng về giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam. Mỹ càng lại gần và tìm cách thỏa hiệp với người "đồng chí" Trung Quốc. Cho đến năm 1972, lần lượt ngoại trưởng Kissinger rồi Tổng thống Mỹ Nixon đến thăm Trung Quốc. Các cuộc gặp được thế giới gọi là "Ngoại giao bóng bàn này" đã làm thế đối đầu Trung-Mỹ trong chiến tranh lạnh được dần dần dịu bớt và Mỹ cũng ngầm đạt được thoả hiệp với Trung Quốc trên lá bài Việt Nam vế việc rút quân Mỹ ra khỏi nam Việt Nam.
Sự đề phòng của Việt Nam với Trung Quốc càng có cơ sở khi tháng 1 năm 1974, sau khi đi đêm với Mỹ và chắc chắn được biết Mỹ sẽ không can thiệp giúp đồng minh Việt Nam Cộng Hoà, Trung Quốc đã đổ quân, khiêu khích và chiếm trọn nốt nửa phía tây của quần đảo Hoàng Sa chỉ trong 2 ngày, hơn 40 quân nhân Việt Nam Cộng Hoà tử trận. Một lần nữa, chính phủ cả hai miền nam và bắc Việt Nam khi đó đang trong giai đoạn cuối của cảnh nồi da nấu thịt lại cay đắng bất lực.
Sau khi hai miền nam-bắc Việt Nam thống nhất, mục đích của Trung Quốc đối với Việt Nam như "chia để trị" giống như hai miền Triều Tiên và "đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng", viện trợ cho Việt Nam để "đánh cho Mỹ chảy máu" đã không thành. Trung Quốc ấm ức nhìn hai miền Việt Nam thống nhất dù sau khi thoả hiệp với Mỹ năm 1972 và sau khi Mỹ hoàn toàn rút khỏi miền nam Việt Nam tháng 5 năm 1973, viện trợ của Trung Quốc cho bắc Việt Nam hầu như đã không còn.
Nhìn lại cuốn Hồi kí về chiến dịch Điện Biên Phủ của đại tướng Võ Nguyên Giáp mới thấy được sự thực rằng Trung Quốc đã đi đêm với thực dân Pháp để nghĩ ra cái Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước, đưa nước ta vào thành một cái cối xay thịt mới theo đũng ý đồ "chia để trị" của chúng, dù Trung Quốc đã biết trước Mĩ sẽ chủ tâm phá hoại Hiệp định và không tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Thay vì vĩ tuyến 13 chia hai miền theo đúng thực tế chiến trường tại thời điểm sau trận Điện Biên Phủ năm 1954, Trung Quốc kéo lên thành vĩ tuyến 17.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trung Quốc sử dụng con bài mới tại Đông Dương là tên đồ tể khát máu Polpot đứng đầu chính quyền Khmer Đỏ tại Campuchia giai đoạn 1975-1979. Sau khi lợi dụng sự ủng hộ của quốc vương Shianuk, Polpot chính thức cùng Đảng CS Campuchia nắm quyền tại Phnompenh tháng 5 năm 1975.
Sau hai cuộc chiến tranh Đông Dương (chống Pháp và chống Mĩ), chính thức chấm dứt ngày 30-4-1975 thì chỉ vài ngày sau, ngày 4-5-1975 quân du kích Khmer Đỏ bất ngờ đánh chiếm đảo Thổ Chu và đảo Phú Quốc của Việt Nam. Với sự hậu thuẫn và ủng hộ triệt để về khí giới của Trung Quốc, quân Khmer Đỏ liên tiếp đánh phá, tràn sâu vào khu vực biên giới phía Tây Nam Việt Nam, gây nên các vụ thảm sát, đốt nhà, tàn phá nặng nề các thị trấn làng mạc của Việt Nam trong suốt giai đoạn tháng 5-1975 đến cuối năm 1978, khi Việt Nam phản công lại.Có nơi như thị xã Tây Ninh, quân Khmer Đỏ tràn sâu tới 40km trước khi rút đi, tàn sát hàng ngàn thường dân vô tội. Điển hình nhất là trong tuần cuối cùng tháng 4 năm 1978, quân đội Khmer Đỏ bất ngờ tràn vào xã Ba Chúc, tỉnh An Giang, và thảm sát hơn 3.000 dân thường Việt Nam chỉ trong vài ngày chiếm đóng.
Cũng trong giai đoạn này thì khoảng 2 triệu người Campuchia (1/3 dân số) dưới bàn tay sắt của Polpot đã bỏ mạng vì bị tra tấn, thủ tiêu, bỏ đói ... Với sự dập khuôn 100% cuộc Đại Cách Mạng Văn Hoá của Mao Trạch Đông, đuổi trí thức về nông thông làm ruộng, coi công nông là giai cấp tiên phong, tập thể hoá đến cực đoan tất cả các tư liệu sản xuất, thủ tiêu tất cả các thành phần chống đối và những người hết khả năng lao động, thảm sát tất cả các kiều dân không có dòng máu Khmer ... Camphuchia chỉ trong 3 năm thực sự trở thành một "Cánh đồng chết" theo cách gọi của những nhà sử học sau này và thủ đô Phnompenh hoang tàn được thế giới gọi là Thành phố Ma vì trí thức, tiểu tư sản, người dân trung lưu đều bị dồn về nông thôn làm ruộng, làm thuỷ lợi trong nông trang tập thể.
Trên bình diện quốc tế thì sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, tổng thống mới đắc cử của Mỹ là Jimmy Carter đã có chủ trương ban đầu ngay trong năm 1977 là bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Một loạt các cuộc gặp gỡ cấp ngoại trưởng đã được tiến hành tại Paris và New York, tuy vậy do chủ trương của Bộ chính trị Đảng CS Việt Nam không chấp nhận điều kiện bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ do Mỹ đưa ra là "Vô điều kiện" mà ngược lại, muốn có điều kiện: Bồi thường chiến phí, cam kết tái thiết đất nước v.v.... Nên các cuộc đàm phán Việt Mỹ trong năm 1977, 1978 gặp nhiều khúc mắc khó giải quyết. Ngay giữa lúc đó, tại Trung Quốc, sau cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976, đến vụ án Bốn tên và đến năm 1978 thì Đặng Tiểu Bình hoàn toàn khôi phục quyền lực tối cao trong Đảng CS Trung Quốc. Lập tức trong các cuộc tiếp xúc cấp cao Trung-Mỹ trong năm 1978, Đặng gọi Việt Nam là "Cuba của Đông Dương" , rằng Việt Nam âm mưu "tiểu bá" và muốn thay mặt Liên Xô xâm lược toàn cõi Đông Dương.
Một loạt các cuộc vận động hành lang do Đặng thực hiện trong năm 1978 với Mỹ, Nhật, các nước phương Tây và các nước Đông Nam Á. Đến lúc này thì cố gắng bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ đến vòng đàm phán cuối cùng tại New York tháng 11 năm 1978 hoàn toàn đổ vỡ. Mỹ chính thức coi Trung Quốc là đối tác cần phải bắt tay tại khu vực. Cùng với việc Việt Nam gia nhập khối COMECON (khối tương trợ kinh tế gồm Liên Xô và các nước khối CS Đông Âu) cuối năm 1978, tại Đông Dương hình thành hai cực mới: Việt Nam, Lào với đồng minh thân cận là Liên Xô và các nước CS Đông Âu, bên kia là chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ của Polpot tại Campuchia do Trung Quốc hậu thuẫn, đứng sau là Mỹ và phương Tây mới bình thường hoá quan hệ hoàn toàn với Trung Quốc.
Cũng phải nói thêm rằng sau năm 1975, nền kinh tế của Việt Nam bị lũng đoạn khá nặng bởi lực lượng Hoa Kiều đông đảo từ Hà Nội, Hải Phòng đến TP HCM. Những người Hà Nội sống tại khu 36 phố phường hẳn đều biết cả dãy phố hàng Ngang hàng Đào ngày các "đồng chí" Trung Quốc sang giúp Việt Nam đào hầm phòng không những năm 60, 70 đông người Hoa làm ăn sinh sống như thế nào.
Lo sợ một nước Việt Nam giờ đây thống nhất rồi sẽ thoát ra khỏi vòng kiềm toả của Trung Quốc, Hoa Nam Tình báo Cục của Bắc Kinh liên tiếp tuyển mộ gián điệp từ lực lượng Hoa kiều đông đảo này, nhằm thu thập tình hình, địa hình, bố trí quốc phòng để lo trước một cuộc xâm lược mới. Ngay từ cuối năm 1977, Việt Nam và Trung Quốc đã chấm dứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao, các Đại sứ quán và Lãnh sự quán ở hai nước bị đóng cửa. Đây là đỉnh điểm của chính sách đánh tư sản mại bản nhằm trực tiếp vào Hoa kiều sau tháng 4 năm 1975 và chủ trương trục xuất Hoa Kiều trở lại Trung Quốc trong năm 1978.
Cuối tháng 12 năm 1978, sau hơn 3 năm chịu đựng các cuộc quấy phá và thảm sát suốt dọc biên giới do Khmer Đỏ gây ra với sự hậu thuẫn của Trung Quốc, quân đội Việt Nam dưới sự chỉ huy của đại tướng Lê Trọng Tấn chính thức phản công và nhanh chóng giành chiến thắng ngay trong tháng 1 năm 1979. Tàn quân Khmer Đỏ rút chạy và ẩn náu tại biên giới Thái Lan, đằng sau là các cố vấn Trung Quốc cùng sự trợ giúp triệt để về khí tài để Khmer Đỏ tiếp tục chiến tranh du kích trong suốt thời gian quân đội Việt Nam đóng tại Campuchia để đánh gục đến cùng tàn quân Khmer Đỏ của Polpot.
Nhận thấy đồng minh Polpot bị lật đổ, đồng thời với việc Việt Nam đang tìm cách đưa hoàng thân Shihanuk trở lại nắm quyền để xây dựng một Campuchia Dân Chủ, cỗ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc lập tức lu loa "Việt Nam xâm lược Campuchia" và Việt Nam "vong ân bội nghĩa" vì đã nhận 20 tỷ đô-la viện trợ Trung Quốc trong chiến tranh chống Mỹ v.v...
Cuối tháng 1 năm 1979, Đặng tuyên bố trên truyền thông Trung Quốc cần phải "dạy cho Việt Nam một bài học". Viện cớ điều khoản trong Hiệp định tương trợ Việt-Xô 1978 có ghi "một trong hai bên sẽ sử dụng các biện pháp có thể để trợ giúp nước kia trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công", Đặng lu loa Việt Nam âm mưu tiểu bá Đông Dương, cấu kết với Liên Xô hình thành thế bao vây Trung Quốc.
Lấy cớ là "phản công tự vệ", Đặng huy động hai Đại quân khu Quảng Tây và Đại quân khu Côn Minh với quân số tổng cộng lên đến 600.000 người lúc đó trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Mục đích là để trực tiếp buộc quân chính quy của Việt Nam đang đóng tại Campuchia phải rút về phòng thủ tuyến biên giới phía bắc để cứu nguy cho chính quyền diệt chủng Polpot, đồng thời trong khả năng có thể sẽ tiến chiếm Hà Nội để dựng lên một chính quyền thân Trung Quốc do tên phản động Hoàng Văn Hoan lúc này đang tị nạn ở Trung Quốc đứng đầu, thay cho chính quyền của TBT Lê Duẩn. Đặng huênh hoang tuyên bố trên truyền thông trước khi mở màn chiến dịch: "Trung Quốc sẽ ăn sáng tại Hà Nội, ăn trưa tại Huế và ăn tối tại Sài Gòn".
Diễn biến:
Sáng sớm ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc huy động tổng cộng khoảng 25 sư đoàn chính quy (từ 200.000 đến 250.000 quân) bất ngờ đánh chiếm toàn tuyến biên giới dài 1.400 km tại 6 tỉnh biên giới của Việt Nam, khoảng 600 xe tăng và cơ số pháo tương đương, hạm đội Nam Hải với 300 tàu chiến cùng lực lượng không quân Trung Quốc cũng sẵn sàng nếu chiến tranh tổng lực lan rộng.
Dù đã được đồng minh Liên Xô cảnh báo trước về nguy cơ bị tấn công từ biên giới Trung Quốc nhưng Việt Nam đã rất bất ngờ trước mức độ và thời gian nổ súng. Do các lực lượng chính quy và tinh nhuệ nhất của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại Campuchia nên để chống trả lại cuộc xâm lược này của Trung Quốc chủ yếu là các dân quân, địa phương quân, du kích và công an biên phòng cùng một số sư đoàn như sư đoàn 338, 346, sư đoàn 3 Sao Vàng. Tổng cộng phía Việt Nam chỉ có từ 100.000 đến 120.000 quân, chủ yếu là dân quân cho công cuộc phòng thủ này. Cuộc chiến tuy ngắn ngày: chỉ từ sáng 17-2 đến 5-3 năm 1979, và từ 5-3 đến 16-3 cho giai đoạn Trung Quốc rút quân về nước nhưng vô cùng đẫm máu. Ngoài việc đánh chiếm các tỉnh biên giới Việt Nam hòng mở đường tiến về Hà Nội qua hướng Bắc Giang, Trung Quốc còn thực hiện việc phá huỷ đến mức hoàn toàn tất cả các cơ sở hạ tầng, nhà máy, cầu cống, nhà ở, trường học, trạm xá, bệnh viện v.v.... của các tỉnh biên giới Việt Nam.
Ác liệt nhất là trận đánh với Sư đoàn 3 Sao Vàng của Việt Nam tại hướng Lạng Sơn, với quân số đông vượt trội, cùng với sự bất ngờ và chiến thuật biển người thường áp dụng, Trung Quốc cũng chiếm được thị xã Lạng Sơn nhưng tổn thất lớn đến mức ngoài dự kiến. Cũng giống như các cuộc xâm lược phi nghĩa khác, quân Trung Quốc cũng gây ra rất nhiều các tội ác chiến tranh, thảm sát thường dân, hãm hiếp, giết chóc phụ nữ trẻ em. Điển hình như vụ quân Trung Quốc dùng dao chặt tay chân hơn 40 phụ nữ trẻ em tại xã Tổng Chúp, tỉnh Cao Bằng rồi vứt ra bờ suối, quẳng xuống giếng.
Với lợi thế quen thuộc địa hình và kinh nghiệm trong chiến tranh chống Mỹ cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm đã thành truyền thống, các lực lượng địa phương quân và du kích Việt Nam đã gây cho phía Trung Quốc những tổn thất rất lớn khiến chúng không tràn xuống được vùng đồng bằng Bắc Bộ, trừ hướng Lạng Sơn.
Đồng minh Liên Xô cũng có những hành động hết sức kịp thời: Hạm đội Thái Bình Dương lập tức phong toả bảo vệ toàn bờ biển Việt Nam, 40 sư đoàn Hồng quân Liên Xô áp sát biên giới Xô-Trung, các máy bay vận tải A-26 bay liên tục từ Nam ra Bắc để chuyển các sư đoàn thuộc quân khu 3 và 4 đang chiến đấu tại Campuchia ra Hà Nội để tiến chiếm các mục tiêu đang trong tay Trung Quốc. Lệnh tổng động viên được ban bố, khắp Hà Nội các hào chiến đấu, hầm chống bom được đào nhanh chóng. Phòng tuyến sông Cầu chốt chặn thị xã Bắc Giang được gấp rút xây cất bởi Quân Đoàn 1, chờ đợi tặng cho bọn xâm lược Trung Quốc những quả đấm thép nếu chúng dám tràn xuống đồng bằng để đánh chiếm Hà Nội.
Với những tổn thất to lớn do quân số trang bị kém, ít kinh nghiệm chiến đấu, phương án tác chiến đạt hiệu quả thấp trong địa hình đồi núi, cộng với sức ép từ biên giới Xô-Trung và từ cộng đồng quốc tế, ngày 5-3 , Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân. Các đơn vị quân chính quy của Việt Nam được tiếp vận từ Campuchia lên hoàn toàn chưa kịp tham chiến.
Đến 16-3, Trung Quốc đã gần như hoàn toàn rút khỏi các tỉnh biên giới Việt Nam. Tuy vẫn chiếm một số cao điểm sát biên giới để leo thang các cuộc tấn công sau này.
Cuộc chiến chớp nhoáng gần 1 tháng này do Trung Quốc châm ngòi và phát động để "dạy cho Việt Nam một bài học" đã mạng lại cho Trung Quốc thiệt hại nặng về quân số. Theo một số tài liệu phương Tây, Trung Quốc có thể đã mất đến 45.000 quân chỉ trong 1 tháng chiến sự. Theo phía Việt Nam ước tính thì Trung Quốc có thể đã mất 30.000 quân, số bị thương cũng khoảng 30.000, 300 xe tăng T-55 của Trung Quốc bị bắn cháy. Không có sự tham gia của không quân và hải quân của cả hai phía.
Quân Trung Quốc rút về nước nhưng đó cũng mới chỉ là khúc dạo đầu cho cuộc chiến biên giới dai dẳng, âm ỉ kéo dài suốt từ đó đến tận đầu năm 1990 mới thực sự chấm dứt. Cùng với việc rút đi và phá hủy đến mức hoang tàn tất cả những gì do bàn tay con người làm nên tại các tỉnh biên giới, Trung Quốc còn để lại vô số các bãi mìn sát thương, bỏ thuốc độc xuống nhiều giếng nước, đập nát hoặc xê dịch hầu như tất cả các cột mốc biên giới có từ thời Pháp-Thanh về phía Việt Nam. Tại chiến trường Campuchia thì các cuộc đánh phá du kích lẻ tẻ của Khmer Đỏ do Trung Quốc trợ giúp cũng gây cho bộ đội Việt Nam rất nhiều thương vong. Theo số liệu của ông Bùi Tín thì khoảng 52.000 bộ đội Việt Nam đã hi sinh trong tròn 10 năm quân Việt Nam làm nhiệm vụ tại Campuchia. Số bị thương lên đến hơn 200.000, chủ yếu là do mìn sát thương do Trung Quốc cung cấp cho tàn quân Khmer Đỏ.
Song song với việc chiếm giữ các điểm cao trên nằm sát biên giới Việt Nam đã làm cho tình hình biên giới Việt-Trung không ngày nào là ngớt tiếng súng, các vụ xung đột lẻ tẻ, thả biệt kích gián điệp, khiêu khích bộ đội biên phòng Việt Nam, xê dịch cột mốc biên giới hàng đêm, bất ngờ bắn pháo vào các làng mạc thị trấn biên giới của Việt Nam vẫn nổ ra liên tục. Nhận thấy sự yếu kém và kĩ thuật tác chiến lạc hậu sau cuộc chiến mở màn năm 1979, Đặng Tiểu Bình quyết định hiện đại hoá quân đội Trung Quốc, các sĩ quan được gửi đi Mỹ huấn luyện, hệ thống ra đa định vị phát hiện pháo binh được nâng cấp ... Chính điều này đã làm cho Việt Nam đổ thêm nhiều xương máu trong những năm còn lại.
Những tháng giữa năm 1984 cho đến năm 1985, Trung Quốc bất ngờ đánh chiếm dữ dội các cao điểm (mỏm núi) suốt dọc tuyến biên giới huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang.Ác liệt nhất là trận đánh cao điểm 1509 mà phía Trung Quốc gọi là núi Lão Sơn (Lao Shan) tháng 4 năm 1984. Đây là một cao điểm rất quan trọng vì từ đó nhìn ra bao quát được tất cả các vùng xung quanh đến tận thị xã Hà Giang. Sau khi bị Trung Quốc sử dụng lực lượng lớn bất ngờ đánh chiếm, Việt Nam đã điều động quân tái chiếm lại nhưng riêng tại cao điểm 1509, thiệt hại to lớn nhất nhưng lại không thành công. Có đến khoảng gần 2000 liệt sĩ quân đội Nhân dân Việt Nam đã bỏ mình dưới chân cao điểm 1509 và các cao điểm lân cận trong mùa hè năm 1984 cho đến năm 1985.
Ngoài biển khơi cũng không im tiếng súng, sau khi đổ quân chiếm một số bãi đã không người thuộc khu vực quần đảo Trường Sa năm 1988, giữa tháng 3 năm đó, 4 tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc vô cớ đồng loạt tấn công 3 tàu vận tải của Việt Nam đang canh giữ 3 bãi đá: Gạc Ma, Cô Lin, Len đao, bắn chìm 2 tàu vận tải, phá huỷ nặng nề tàu còn lại. Hơn 70 cán bộ, chiến sĩ hải quân Nhân Dân Việt Nam đã hi sinh chỉ trong ngày hôm đó. Bãi đã Gạc Ma bị mất vào tay Trung Quốc. Đến đầu năm 1990, tình hình tại biên giới Việt-Trung mới chính thức im tiếng súng.
Chiến tranh lạnh đi vào giai đoạn cuối, với việc Liên Xô tan rã, đồng thời Việt Nam rút hết 200.000 quân khỏi Campuchia năm 1989 sau khi Khmer Đỏ đã tan rã hoàn toàn. Đất nước Campuchia với sự trợ giúp của những người lính Hồng quân Đông Nam Á, quân đội nhân dân Việt Nam, đã thoát khỏi nạn diệt chủng tàn bạo không kém gì các KZ của phát xít Đức.
Quan hệ Việt-Trung chính thức trở lại bình thường năm 1992 với cuộc gặp gỡ của đại tướng Lê Đức Anh với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tại Thành Đô, Tứ Xuyên.
Vì những lí do địa chính trị rất tế nhị nên cuộc chiến Đông Dương lần thứ 3 này hầu như không được nhắc tới trong sách vở và trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Rất nhiều chiến công và tấm gương chiến đấu và hi sinh anh dũng của quân và dân Việt Nam do vậy cũng phải vì nghiệp chung của đất nước mà phải đi vào quên lãng. Như chiến công của tiểu đoàn đặc công 45, đã luồn sâu vào tận tỉnh Côn Minh của Trung Quốc để quấy phá đường tiếp vận của địch, hay một nữ dân quân du kích của ta chỉ cần một khẩu AK47 nhưng đã tiêu diệt nhiều lính lái xe tăng Trung Quốc qua lỗ châu mai trong từng khúc cua, trước khi bị bọn chúng bao vây lùng bắt và giết hại ...