GIÓ TRĂNG
Tiếc rằng trăng non mau lặn mà trăng khuyết (hạ tuần) chậm lên.
Dưới trăng nghe tiếng tụng kinh (hay chuông chùa) thì cái thú càng sâu xa; dưới trăng mà bàn về kiếm thuật thì can đảm càng tăng; dưới trăng mà bàn về thi thơ thì phong thái càng tĩnh; dưới trăng mà đối diện mĩ nhân thì tình ý càng nồng.
Phép ngắm trăng: trăng tỏ nên ngửng nhìn, trăng mờ nên cúi nhìn.
Gió xuân như rượu, gió hè như trà, gió thu như khói, gió đông như gừng, cải (cay: ý nói buốt).
THÚ NHÀN VÀ BẠN BÈ
Trong thiên hạ, được một tri kỉ, có thể không ân hận rồi.
Người ta cho là bận rộn thì mình coi là thảnh thơi, có như vậy mới có thể bận rộn cái mà người ta cho là thảnh thơi.
Không có gì vui bằng nhàn, nhàn không phải là không làm gì.
Có nhàn mới đọc được sách, mới đi coi được những thắng cảnh, mới giao du được với những bạn bè có ích, mới uống rượu được, mới viết sách được. Có cái vui nào lớn hơn vậy nữa?
Mây được mặt trời chiếu vào rồi mới thành ráng, suối treo vào đá rồi mới thành thác. Cũng là vật đó mà gởi vào một cái khác thì có tên khác. Cho nên cái đạo bạn bè rất đáng quí.
Nói chuyện với bạn uyên bác như đọc sách lạ, nói chuyện với bạn phong nhã như đọc thi văn của danh nhân, nói chuyện với bạn nghiêm cẩn, đạo đức như đọc kinh truyện của thánh hiền, nói chuyện với bạn hoạt kê như đọc tiểu thuyết truyền kì.
Kẻ sĩ nên có bạn thân. Bạn thân bất tất phải là bạn thề sống chết có nhau. Thường thì bạn thân là bạn cách xa nhau trăm ngàn dặm vẫn có thể tin nhau, không nghe những lời người ta nói xấu về bạn. Việc nào nên làm, nên ngưng thì thay bạn mà mưu tính quyết đoán; hoặc những lúc lợi hại, giúp bạn mà không cho bạn biết, cứ hết lòng vì bạn mà không lo rằng bạn có hiểu mình không.
Tìm tri kỉ trong chỗ bạn bè là việc dễ, tìm tri kỉ trong chỗ thê thiếp là việc khó, tìm tri kỉ trong chỗ vua tôi càng khó nhất.
Diễn được những ý người trước chưa diễn mới là sách lạ; nói được những điều khó nói về vợ con, mới là bạn thân.
Ở thôn quê, có được bạn tốt thì mới thích. Hạng nông dân và tiều phu chỉ nói chuyện được về lúa má, mưa nắng, làm cho ta mau chán. Trong số bạn bè, người nào làm thơ được là quí nhất, rồi tới người nào nói chuyện được, rồi tới người nào ca hát được, sau cùng mới tới hạng người biết những trò chơi trong xã hội…
SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH
Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ở ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài. Do từng trải nhiều hay ít mà sở đắc nhiều hay ít.
Có thể đọc những cuốn sách không có chữ (chẳng hạn cuốn sách ngoài đời) thì mới nói được những câu kinh nhân; có thể hiểu những điều giảng không được thì mới thấu được cái huyền vi nhất của đạo Phật.
Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ.
Văn chương là sơn thuỷ trên án thư, sơn thuỷ là văn chương trên đất.
Thú nhất là đọc sách; đọc sử thì vui ít mà giận nhiều, nhưng chỗ giận đó cũng là chỗ vui.
Nên đọc kinh thư vào mùa đông, để tinh thần được chuyên nhất; nên đọc sử vào mùa hè vì ngày dài; nên đọc chư tử vào mùa thu vì nhiều ý lạ; nên đọc chư tập vào mùa xuân vì thời tiết đổi mới.
Văn nhân mà bàn về binh thư, phần nhiều là bàn luận trên giấy (nghĩa là trên lí thuyết); võ tướng mà bàn về văn chương, một nửa là nghe lỏm.
Người biết đọc sách thì cái gì cũng là sách: sơn thuỷ cũng là sách, cờ rượu cũng là sách, hoa nguyệt cũng là sách. Người biết đi coi phong cảnh thì cái gì cũng là sơn thuỷ: thư sử cũng là sơn thuỷ, hoa nguyệt cũng là sơn thuỷ.
Người xưa muốn đọc sách mười năm, du ngoạn sơn thuỷ mười năm, rồi mười năm kiểm điểm lại kinh nghiệm. Tôi nghĩ kiểm điểm chẳng cần tới mười năm, chỉ hai ba năm cũng đủ, còn đọc sách và du ngoạn sơn thuỷ thì gấp hai, gấp năm lần mười năm cũng chưa mãn nguyện. Có lẽ “phải sống ba trăm năm” như Hoàng Cửu Yên nói, may mới đủ chăng?
Cổ nhân nói: “Thơ, có khổ rồi mới khéo” (thi tất cùng nhi hậu công) vì có khốn khổ rồi giọng mới có nhiều cảm khái mà dễ có sở trường. Còn hạng người phú quí đã không lo buồn về cảnh nghèo hèn, thì chỉ vịnh về phong vân tuyết lộ, thơ có gì mà hay? Muốn thay đổi đi thì chỉ có cách đi du lịch, để được thấy núi sông, phong thổ, sản vật, nhân tình, hoặc thấy cái khổ của dân chúng sau những cuộc binh đao, trong những năm mất mùa vì hạn vì lụt, rồi tả trong thơ. Thế là mượn cái cùng sầu của người để cung cấp cho sự ngâm vịnh của ta. Vậy thơ cũng bất tất phải khổ rồi mới khéo.
BÀN CHUNG VỀ ĐỜI SỐNG
Một chữ “tình” để duy trì thế giới; một chữ “tài” để tô điểm càn khôn.
Thà bị tiểu nhân mắng chứ không muốn bị quân tử khinh; thà bị giám khảo đui đánh hỏng chứ không muốn bị một học giả danh tiếng không biết tới.
Người nên giống một bài thơ, vật nên giống một bức hoạ.
Có những cảnh như rất u tĩnh mà thực ra thì tiêu điều, tức cảnh sương mù, cảnh mưa; có những tình cảnh như rất nhã mà thực ra rất khó chịu, tức cảnh nghèo khổ, đau ốm; có những tiếng nghe rất phong tao mà thực ra thì thô bỉ, như tiếng rao bán hoa.
Cày ruộng, tôi làm không được, thôi thì tưới vườn vậy; đốn củi, tôi làm không được, thôi thì nhổ cỏ vậy.
Tôi hận mười điều: một là sách dễ bị mối ăn; hai là mùa hè có nhiều muỗi; ba là sân thượng để ngắm trăng dễ rỉ nước; bốn là lá cúc thường héo; năm là tùng có nhiều kiến lớn; sáu là lá tre rụng trên đất nhiều quá; bảy là hoa quế và hoa sen mau tàn; tám là trong đám cỏ tiết thường có rắn; chín là hoa trên các mắt cáo thường có gai; mười là thịt nhím thường độc.
Một người ngồi sau cửa sổ, vẽ lên mảnh giấy cửa sổ, ta đứng ngoài nhìn vào, thấy đẹp lạ.
Gặp đời thái bình, sinh ra ở nơi có núi, có hồ mà quan chủ quận liêm khiết, cảnh nhà phong lưu, cưới vợ hiền, đẻ con thông minh, đời được như vậy tôi cho là toàn phúc.
Trong lòng mà có cảnh núi hang thì sống ở thành thị cũng như sống ở núi rừng; cảm hứng gởi vào mây khói thì Diêm Phù cũng như Bồng Đảo.
Ở thành thị nên lấy tranh làm sơn thuỷ, lấy bồn cảnh làm vườn tược, lấy sách làm bạn.
Đón danh sư về dạy con, vào danh sơn mà luyện cử nghiệp, đều là những điều lầm lẫn.
Một nhà tu hành bất tất phải giới tửu mà phải giới tục, đàn bà bất tất phải hiểu văn nhưng phải đẹp.
Nếu người thu thuế làm cho ta khó chịu thì đóng thuế sớm đi; muốn bàn đạo Phật với nhà sư thì phải thường bố thí.
Cái gì cũng dễ quên, chỉ có lòng ham danh là khó quên.
Rượu có thể thay trà, trà không thể thay rượu; thơ có thể thay văn, văn không thể thay thơ; khúc có thể thay từ, từ không thể thay khúc; trăng có thể thay đèn, đèn không thể thay trăng; bút có thể thay lời, lời không thể thay bút; người ở gái có thể thay người ở trai, người ở trai không thể thay người ở gái.
Điều bất bình nhỏ trong lòng, uống rượu vào có thể tiêu được; điều bất bình lớn trong đời, không dùng gươm không thể dẹp được.
Người bận rộn nhiều thì vườn nên ở bên cạnh nhà; người nhàn nhã thì nhà và vườn có xa nhau cũng không hại.
Đau, có thể chịu được; ngứa, không thể chịu được; đắng, có thể chịu được; chua, không thểchịu được.
Hạc làm cho ta có vẻ nhàn; ngựa làm cho ta có vẻ anh hùng; lan làm cho ta có vẻ ẩn dật; tùng làm cho ta có vẻ cổ kính.
Có cái vui sơn lâm ẩn dật mà không biết hưởng là hạng tiều phu, hạng làm vườn và hạng thầy chùa.
Có vườn tược, thê thiếp mà không biết vui là bọn phú thương và quan lớn.
Nghiên mực của người nhàn phải đẹp mà nghiên của người bận rộn công việc cũng cần phải đẹp.
Món ăn ngon mà nuốt cho mau hết, phong cảnh lạ mà đi chơi chỉ lướt qua, tình thâm mà diễn bằng những lời nông nổi, ngày đẹp mà chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống; giàu có mà cư xử theo thói kiêu sa; tất cả những hành động đó đều là trái ý trời.
(Lâm Ngữ Đường)