Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Danh ngôn

“When I was a child, I used to pray to God for a bicycle. But then I realised that God doesn’t work in that way – so I stole a bike and prayed for forgiveness.” – Emo Phillips


Thời con nít đã xa .... (sưu tầm)

Nhiều khi ngồi nghĩ lại chuyện hồi xưa đi học, tui mới nhận ra có những thứ lúc trước rất thông dụng, ai ai cũng xài, đi đâu cũng thấy, mà bây giờ đã biến mất tăm mất tích. Chẳng hạn tập Ba Cây Thông, thuộc hàng “có thương hiệu” lúc bấy giờ. Lúc đó mà được một quyển tập Ba Cây Thông 100 trang thì cứ gọi là sướng rơn, mà phải chi giấy trắng tinh tươm gì cho cam, chỉ thuộc hàng trắng ngà thôi. Nói đến độ trắng của giấy thì tập giấy đen bây giờ cũng không thấy nữa. Các em bây giờ đi học được viết trên giấy trắng chói cả mắt, làm gì biết đến tập giấy đen thui thùi lùi, viết bút chì lên thì cứ gọi là căng mắt ra mà đọc. Đặc biệt là tập giấy đen thì thông thường chỉ là tập 50 trang, hồi đó nhiều vô số kể, bây giờ cũng không thấy. Bây giờ bét ra thì cũng 100 trang, thông dụng đã là 200 trang rồi. Hồi xưa còn có vụ tập xài năm trước không hết, năm sau lôi ra cắt bỏ những trang đã viết rồi đế xài tiếp, mà còn ít trang quá thì đem ra đóng lại thành cuốn nháp. Lúc tui đi học, chắc mẹ tui cũng biết tính con mình hay quậy, chuyên môn xé tập nên mỗi lần cho tập mới là mẹ tui ngồi ghi số vô góc từng trang, thằng con mà xé giấy ra làm bì là bà biết liền. Mà đã nói về tập là phải nói về tạp chí Liên Xô và lịch tờ treo tường, vì những thứ đó được tận thu để làm giấy bao tập, bao sách. Lịch tờ treo tường bây giờ vẫn còn, nhưng tạp chí Liên Xô, giấy trắng bóng, màu sắc rực rõ, thì bây giờ không còn nữa.

Bây giờ hình như người ta toàn xài bút bi, nên bút mực cũng đi luôn vô dĩ vãng, mà tui nói là nói bút mực chấm vô lọ mực đó nha. Cây bút mà có cái cán riêng, phải mua ngòi bút cắm vô, mỗi lần muốn viết là phải mở lọ mực ra chấm chấm đó. Bút mực chìm vô dĩ vãng, nên lọ mực cũng đi theo luôn. Lọ mực thì cũng đủ loại, thuỷ tinh có, sắt có, nhựa có, nhưng thông dụng nhất vẫn là loại nhựa, ở miệng còn có miếng nhựa như cái phễu để lỡ có làm nghiêng lọ thì mực cũng không chảy ra ngoài. Cái lọ nào cũng có cái nắp, trên nắp còn có cái khoen nhựa làm quai cầm nữa. Ngòi bút thì cũng đa dạng đủ kiểu, nhưng tui ấn tượng nhất là kiểu ngòi bầu, để mỗi lần chấm, mực trữ ở trong bầu nên viết được lâu hơn, không phải chấm tới chấm lui vô lọ mực. Cán bút thì ban đầu chỉ làm bằng gỗ, về sau có thêm cán nhựa, phần để cắm ngòi thì to to, rồi càng lên cao thì càng teo dần.

Rồi mực cũng lắm nhiêu khê. Anh nào lười thì mua mực pha sẵn, anh nào nghèo thì mua viên mực, rồi về pha nước vô xài. Nói vụ pha nước, nhiều khi bình sắp hết mực mà không có tiền, thế là cứ pha nước vô cho nó đầy lên, đến lúc viết ra thì chữ khi mờ khi tỏ. Bạn học sinh nào mà sang trọng hơn một chút thì được xài bút máy Hồng Hà, cũng là bút mực, nhưng mực được bơm vô một cái ống cao su trong thân bút, viết cả ngày không hết. Lâu lắm rồi tui không được thấy bút mực máy như vậy nữa, không biết có ai còn xài hay không. Bây giờ thì thông dụng là kiểu bút mực mà có sẵn ống mực luôn, mua về gắn vô xài, khỏi bơm bơm bóp bóp chi cho mất công. Mà đã nói đến chuyện xài bút mực thì không thể không nói đến giấy thấm. Bọn con gái kỹ lưỡng thì trong cặp lúc nào cũng sẵn vài tờ, viết ra chữ nào là thấm thấm chậm chậm chữ đó. Ẩu tả như mấy thằng con trai thì bỏ đại vô túi áo một cục phấn, lỡ viết lem mực thì lăn qua một phát là xong.

Đối với tui, bút mực nói chung chỉ có một công dụng là để làm hung khí, vì ngòi mực tuy đâm đau chỉ vài ba ngày là hết, nhưng chỉ cần một cái lắc cổ tay thôi, mực rảy lên áo là giặt muôn đời cũng không ra. Có người thi vị hoá, bảo rảy mực lên áo bạn gái làm quen. Lần nào tui rảy mực vô áo người ta, dù chỉ vô tình, cũng bị chửi cho tắt bếp. Cô giáo thì bảo viết bút mực để rèn chữ, tui chẳng biết rèn ở chỗ nào, vì tui viết bút nào chữ cũng xấu hoắc.

Một thứ nữa bây giờ cũng hết thấy là cùi thơm. Hồi xưa, ở trước cổng trường học mỗi lần ra về hay có mấy cái xe bán đồ ăn vặt. Tui nhớ xe bán cùi thơm lúc nào cũng thuộc hàng đẹp nhất, chắc chỉ thua xe bong bóng. Cả trăm cái cùi thơm cắm vô que, còn que thì cắm vô một bó rơm cao nghệu, nhìn y hệt như một cái cây mà mỗi cành chĩa ra đều là cùi thơm. Đứa nào đến hỏi mua, người bán cũng lấy một que xuống rồi xát muối ớt vô. Hồi đó tui cứ tưởng cùi thơm thì phải ăn với muối ớt như là một lẽ đương nhiên, về sau mới biết muối ớt xát vô cho nhiều là để sát trùng, chưa kể cùi thơm thời bấy giờ chua lè chua lét, ăn mà không có muối ớt thì chắc té tè ra quần. Mẹ tui căn dặn kỹ lắm, không cho ăn vì cùi thơm là thứ mất vệ sinh nhất trên đời, nhưng trong mấy thứ ăn vặt của con nít thì cùi thơm là thứ rẻ nhất, nên lâu lâu thèm tui cũng lén mua một que ăn đỡ ghiền.

Nói về đồ ăn vặt thì có một thứ bây giờ cũng không thấy nữa, đó là kem ống. Kem làm trong ống nhôm, tiết diện bằng cỡ ống nước, người bán có khi lấy ra để sẵn trong thùng đá. Đứa nào tới mua thì được chọn mùi, thường thì cũng vòng vòng mấy thứ đậu đỏ, đậu đen, sầu riêng, rồi tùy muốn mua bao nhiêu thì người bán cắt ra một khúc dài bấy nhiêu. Thứ kem này cũng phải có que để cắm. Que kem ống chỉ mảnh như cây tăm tre thôi, nên nhiều đứa cầm không khéo, kem rớt xuống đất, tiếc ngẩn tiếc ngơ. Kem que thì có que hoành tráng hơn, có điều cũng chỉ được vót ra từ tre, nhiều khi còn thấy cả dằm, cả mắt, chuyên được lũ học trò thu gom về làm que tính. Có đứa hôm trước cô giáo dặn phải đem que kem theo để học toán, hôm sau quên, thế là đi vòng vòng quanh sân trường lượm lặt cho đủ số. Nhưng khổ cái không có thời gian rửa lại nên vẫn còn sót kem dính trên que, đặt lên bàn nước chảy nhễu nhão, bọn con gái ngồi kế bên dạt ra xa cả thước.


Trò chơi sân trường bây giờ không biết còn lại những gì. Tui nghĩ đá cầu chắc vẫn còn thịnh hành, vì đến thằng em tui vẫn còn chơi, nhưng chọi cầu chắc là hết thấy. Chọi cầu thì được cái nam nữ chơi chung, chia làm hai phe. Cầu chọi trúng đứa nào thì đứa đó bị phe kia bắt làm tù bình, phải bị đứng tuốt ra đằng sau phe đối phương, phe nào bị bắt làm tù binh hết là thua. Nhưng nếu một phe câu được trái cầu vô “trại tù binh” mà có tên tù nào chụp được, rồi chọi trúng một đứa phe đối phương (tức là hạ được một thằng canh ngục đó) thì một tù binh được phóng thích. Vì có luật cứu bồ như vậy nên chọi cầu là cơ hội để tụi con trai lấy le, cố sống cố chết chụp cầu để cứu người trong mộng. Rồi chơi u, chơi cá sấu lên bờ, chơi keo, chơi cướp cờ, chơi tạt lon, trò nào cũng chạy mệt nghỉ. Riêng tụi con gái thì có trò banh đũa và nhảy dây, mà tui chỉ nhớ nhất là nhảy ba góc. Ở nhà tui toàn là chị họ, em gái họ, nên tui cũng phải chơi mấy thứ này. Banh đũa thì phải quét, đập, gõ, chẻ, từ hai đũa một cho đến cả bó mười đũa. Nhảy ba góc thì phải đạp, móc, đè, từ mức thấp dưới mắt cá lên cao cho đến đầu, rồi đầu 1 gang, đầu 2 gang.

Tụi con trai cũng chơi nhảy dây, nhưng mà là nhảy cao. Tui còn nhớ hồi cấp 1, mức dây số 4 là huyền thoại, trong trường không ai nhảy qua được. Đám bạn tui có thằng Cường với tui hay cạnh tranh nhau. Bữa đó, nhảy đến mức số 3 thì chỉ còn vài đứa qua được, lên đến mức 3 rưỡi thì còn có tui với nó. Đến lúc nâng dây lên mức 4 thì mấy đứa học trò khác đã bu đen bu đỏ xung quanh, thậm chí còn leo lên cầu thang nhìn xuống. Chắc nhờ được ủng hộ nhiệt tình quá mà tui với thằng Cường đều nhảy qua được mức 4. Còn một trò nữa mà chắc bây giờ cũng không còn, là trò chơi chọi thú. Mấy con thú làm bằng nhựa mà hình như thằng nào cũng thủ trong cặp ít nhất là vài con. Phổ biến nhất là con lạc đà, đến nỗi nó được tính như một đơn vị giá trị. Chẳng hạn Lý Tiểu Long nhỏ thì bằng hai con lạc đà, Lý Tiểu Long bự thì có khi lên đến 20 con lạc đà. Nếu tui nhớ không lầm thì Na Tra cũng tầm khoảng 10 lạc đà, Mã Tú Trinh đâu chừng 3 lạc đà. Tui chơi chọi thú không phải tốn đồng xu nào. Con lạc đà đầu tiên tui được cho, từ đó về sau gia tài thú nhựa của tui toàn nhờ ăn thua với đối thủ. Tui ăn thua đến khi còn 2 con lạc đà, 1 Na Tra và 1 Lý Tiểu Long bự thì nghỉ, vì lúc đó, tui chợt nhận ra mình đã lớn rồi, nên không thèm chơi trò của bọn con nít ranh nữa.

Bây giờ ngồi ghi lại chuyện ngày xưa, nếu sau này thằng con trai tui ôm cổ ba nó nói: “Ba kể chuyện cổ tích hay quá à!” hoặc “Ba ơi, chỉ cho con chơi mấy trò này đi!” thì cũng đáng công. Còn không thì cứ xem như là tạo cơ hội để cho các bác bụng béo tóc thưa, với các mợ đẫy đà phúc hậu đọc, xong gật gà gật gù mà nhớ lại một thời trẻ nít.