Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Tin BBC: Trung Quốc xác nhận bắn hạ vệ tinh

Trung Quốc xác nhận thực hiện vụ thử hỏa tiễn bắn trúng vệ tinh, hành động làm cho cộng đồng quốc tế quan ngại.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Liu Jianchao nói có tiến hành vụ thử hỏa tiễn tuy nhiên nói thêm Trung Quốc cam kết "dùng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình".
Hoa Kỳ đưa ra thông tin tuần trước nói rằng Trung Quốc đã dùng tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất để phá hủy một vệ tinh thời tiết.
Đây là vụ thử bắn chặn mục tiêu trên không gian đầu tiên sau hơn 20 năm.
Trước thứ Ba 23/1 Trung Quốc đã không xác nhận, hoặc từ chối tin đưa về vụ thử hỏa tiễn.
Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói rằng ngày 11 tháng Giêng vừa qua một hỏa tiễn của Trung Quốc đã bắn trúng một vệ tinh dự báo thời tiết ở cách trái đất 850km.
Phía Mỹ nói qua vụ thử nghiệm này Trung Quốc cho thế giới thấy họ đang nhắm đến các mục tiêu ngoài trái đất, với ý đồ hoàn thiện kỹ thuật hỏa tiễn dùng vào việc bắn hạ các vệ tinh dân dụng cũng như quân sự trong không gian.
Lập tức các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật, và Úc đã ra tuyên bố phản đối. Canberra triệu đại sứ Trung Quốc tại Úc, bà Fu Ying, đưa yêu cầu đòi Bắc Kinh giải trình hành động.
Một cường quốc vũ trụ khác, nước Nga, tỏ ý nghi ngờ về vụ thử hỏa tiễn. Nga cho rằng đây chỉ là tin đồn và nếu có thử gì đi nữa, hỏa tiễn của Trung Quốc không có khả năng diệt hạ vệ tinh, hay hỏa tiễn khác trên không gian.
Mục tiêu
Mục tiêu bị phá hủy là một vệ tinh thời tiết của Trung Quốc quỹ đạo quanh trái đất với độ cao khoảng 800 cây số. Vệ tinh này đã hết thời hạn sử dụng. Nên dễ hiểu là phía Trung Quốc có trong tay các thông số về độ cao, vận tốc, và vĩ độ của vệ tinh này.
Cả Nga và Mỹ đều đã ngưng các vụ thử hỏa tiễn bắn hỏa tiễn trong không gian vì rủi ro quá lớn do xác hỏa tiễn gây ra đối với các loại vệ tinh khác, hay các nhà du hành vũ trụ. Số liệu do các nhà khoa học Mỹ công bố nói vụ thử vừa rồi của Trung Quốc đã tạo ra khoảng 800 mảnh vỡ lớn hơn 10cm và 40.000 mảnh vụn đường kính trong khoảng từ 1cm đến 10cm.
Mỹ tiến hành vụ thử (thành công) cuối cùng năm 1985 trong chương trình "chiến tranh giữa các vì sao" khi hỏa tiễn Mỹ bắn trúng vệ tinh có tên là Solwin. Gần đây Mỹ đã chuyển sang kỹ thuật mới, có tên "vũ khí dùng năng lượng trực tiếp" khi dùng tia laser trên không gian để làm liệt vệ tinh.
Các chuyên gia tin rằng Trung Quốc đã dùng tên lửa đạn đạo loại KT-1, được phóng lên và điều khiển từ mặt đất. Một khi đã nằm trong quỹ đạo ổn định, tên lửa này tìm mục tiêu qua hệ thống ra đa được cài đặt bên trong, và nhiều khả năng dùng bộ cảm ứng tia hồng ngoại để nhắm đến mục tiêu.
Ý đồ
Vệ tinh thời tiết bị phá hủy nằm trong nhóm vệ tinh với quỹ đạo bay gần trái đất. Được biết các vệ tinh do thám, tình báo nằm trong nhóm này.
Cao hơn một chút, nằm trong quỹ đạo trung bình, cách trái đất khoảng 20.000 km, là nhóm vệ tinh định vị toàn cầu - GPS.
Đặc tính của các vệ tinh GPS là khi nằm trong quỹ đạo, chúng tiêu thụ ít năng lượng, và với tầm cao đạt được, người ta chỉ cần phóng ba vệ tinh là có thể cung cấp đủ độ bao phủ về dịch vụ cho toàn bộ trái đất.
Chuyên gia quân sự phương Tây nhận mạnh trong chiến tranh thông minh, các vệ tinh GPS có vai trò đặc biệt quan trọng vì chúng là người dẫn đường cho tên lửa cruise nhắm đến mục tiêu. Cạnh đó một số vệ tinh ở tầm cao này có chức năng truyền tải thông tin băng tần rộng (broadband communications).
Và đối với các cuộc chiến thời hiện đại vệ tinh GPS cùng vệ tinh thông tin vừa là át chủ bài, vừa là điểm yếu của quân đội tham chiến. Điểm yếu là nếu như đối phương tìm cách khống chế hoặc bắn hạ các vệ tinh này coi như không có tên lửa cruise bắn mục tiêu với độ chính xác 10m như người ta thấy trong chiến tranh vùng Balkan, và Iraq gần đây. Trong chiến dịch "Iraqi Freedom" 83 phần trăm thông tin giữa các lực lượng liên quân được truyền qua vệ tinh GPS.
Và cuộc bắn thử ngày 11/1 vừa qua, dù chỉ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn, người ta tin là Trung Quốc đã phát triển thành công tên lửa đường dài, KT-2 và KT-3, mang theo nhiên liệu đẩy dự trữ có khả năng nhắm đến các mục tiêu ở tầm cao hơn, như các vệ tinh GPS, hay thông tin liên lạc.

Tin BBC